Tích cực vận động người dân có am hiểu về đầu tư, xây dựng tham gia giám sát sẽ giúp kịp thời phát hiện và ngăn chặn tiêu cực trong thi công. Ảnh: Ánh Hồng |
Kịp thời phát hiện và chấn chỉnh vi phạm
Bộ KH&ĐT cho biết, tổng hợp báo cáo về công tác GSĐT của cộng đồng từ 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy, năm 2017 có 20.192 dự án được GSĐT của cộng đồng, trong đó có 10.356 dự án sử dụng vốn và công sức cộng đồng, vốn ngân sách cấp xã, vốn tài trợ trực tiếp cho xã; 8.882 dự án đầu tư công, dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công và dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); 954 dự án sử dụng vốn khác. Thông qua GSĐT của cộng đồng đã phát hiện 886 dự án có vi phạm; 599 dự án đã có thông báo kết quả xử lý vi phạm; 500 dự án chủ đầu tư đã thực hiện khắc phục vi phạm theo thông báo.
Bộ KH&ĐT đánh giá, công tác GSĐT của cộng đồng đã kịp thời phản ánh đến các cơ quan chức năng những vụ việc cần phải chấn chỉnh, xử lý, kiến nghị những vụ việc làm ảnh hưởng chất lượng công trình, an toàn, vệ sinh môi trường, đời sống của nhân dân, góp phần hạn chế tiêu cực, lãng phí ngân sách nhà nước, tiền của nhân dân.
Tuy nhiên, công tác GSĐT của cộng đồng vẫn còn vấp phải nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể, ở một số nơi, cấp ủy Đảng, chính quyền chưa quan tâm, phát huy vai trò của ban GSĐT của cộng đồng; ban GSĐT của cộng đồng tại một số phường, xã, thị trấn hoạt động còn lúng túng, thậm chí có nơi thực hiện các nội dung giám sát sai chức năng, nhiệm vụ. Một số thành viên ban GSĐT của cộng đồng còn e dè, ngại đụng chạm, chưa phản ánh kịp thời những bất cập trong quá trình giám sát; công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia giám sát còn nhiều hạn chế. Nhiều địa phương chưa kịp thời giải quyết, xử lý những trường hợp vi phạm theo kiến nghị, phản ánh của người dân, làm hạn chế hoạt động của ban GSĐT của cộng đồng; chi phí hỗ trợ cho công tác GSĐT của cộng đồng còn thấp.
Bên cạnh đó, không ít ban GSĐT của cộng đồng không có trình độ chuyên môn, không có phương tiện kỹ thuật phục vụ cho công tác giám sát theo yêu cầu, thiếu chủ động trong việc tập hợp tài liệu để phục vụ cho hoạt động giám sát, nên chủ yếu chỉ giám sát mang tính trực quan, do vậy đã gặp phải những khó khăn nhất định trong quá trình thực hiện.
Phát huy vai trò giám sát đầu tư của cộng đồng
TS. Nguyễn Việt Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho rằng, cần phải phát huy vai trò GSĐT của cộng đồng. Nhà nước nên có các cơ chế hỗ trợ, tập huấn, nâng cao năng lực để cộng đồng thực hiện tốt và phát huy được vai trò GSĐT của mình. Về bản chất, công trình sau khi hoàn thành phục vụ nhu cầu của cộng đồng, vì thế tốt nhất nên để cộng đồng tham gia giám sát công trình từ các bước thực hiện đầu tư. Hơn nữa, nguồn nhân lực của cộng đồng tham gia GSĐT thường “sẵn có”, “tại chỗ” (ngay trên địa bàn xây dựng công trình/dự án) nên dễ huy động. Do đó, nếu biết tận dụng và vận dụng nguồn nhân lực này sẽ giảm được giá thành, chi phí đầu tư cho công trình.
Để nâng cao chất lượng công tác GSĐT của cộng đồng, Bộ KH&ĐT cũng kiến nghị cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện phát huy vai trò hoạt động của ban GSĐT của cộng đồng; đồng thời cần quan tâm tổ chức quán triệt cho cán bộ, công chức, đảng viên trong hệ thống chính trị hiểu rõ về vai trò, vị trí, nhiệm vụ của ban GSĐT của cộng đồng là tổ chức giám sát của nhân dân; thường xuyên quan tâm, kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực cho các ban GSĐT của cộng đồng, góp phần giúp đội ngũ này hoạt động có hiệu quả.
Bộ KH&ĐT cũng đề nghị Mặt trận Tổ quốc các cấp tổ chức tập huấn, tọa đàm trao đổi rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng hoạt động và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của Ban GSĐT của cộng đồng; Mặt trận Tổ quốc cấp xã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia công tác giám sát...