Ảnh Internet |
Kinh nghiệm của Mexico
Theo TS. Đào Hoàng Tuấn, Mexico là một trong những quốc gia thành công trong việc thúc đẩy xuất khẩu bằng việc giảm thuế nhập khẩu mặt hàng nguyên liệu/trung gian. Trong dài hạn, tỷ lệ nội địa hóa hàng xuất khẩu của Mexico ở mức thấp và không thay đổi trong nhiều năm, tuy nhiên ngành công nghiệp lắp ráp vẫn đóng góp rất lớn vào nền kinh tế Mexico.
Để tăng cường sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, Chính phủ Mexico đã đưa ra chính sách thuế suất 0% đối với nhập khẩu nguyên liệu/linh kiện với với điều kiện là hàng sản xuất/lắp ráp của DN đó được xuất khẩu.
Mục đích của những quy định này là nhằm thu hút DN FDI, khuyến khích DN đẩy mạnh xuất khẩu, chứ không tập trung hướng tới tăng tỷ lệ nội địa hóa. Nhưng thực tế cũng cho thấy, theo TS. Đào Hoàng Tuấn, Mexico đã thử một vài chính sách bảo hộ đối với một số ngành công nghiệp nhưng tỷ lệ nội địa hóa hàng xuất khẩu của Mexico vẫn ở mức thấp và không thay đổi trong nhiều năm, thậm chí hầu như không có. Các chính sách công nghiệp của Chính phủ Mexico hầu như không có tác dụng trong việc tăng tỷ lệ nội địa hóa (các chính sách phát triển các nhà cung ứng nội địa, chính sách hỗ trợ nghiên cứu...). Các DN trong nước Mexico thường thiếu khả năng đáp ứng các quy định chặt chẽ về quy trình sản xuất, bảo đảm chất lượng được đòi hỏi bởi các tập đoàn nước ngoài, trong khi đó đòi hỏi về chất lượng và công nghệ của các tập đoàn nước ngoài cũng thường xuyên thay đổi.
Chương trình này giúp Mexico tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Chương trình này đóng góp vào tăng trưởng GDP trung bình 10%/năm trong giai đoạn 1990 - 2002, trong khi mức tăng trưởng GDP trung bình của cả nước là 3%; chiếm 48% kim ngạch xuất khẩu và 35% kinh ngạch nhập khẩu.
Và bài học cho Việt Nam
Nhóm nghiên cứu của APD cho biết, theo kết quả nghiên cứu của Quỹ tiền tệ quốc tế, về 26 quốc gia đang phát triển (bao gồm Việt Nam), thuế nhập khẩu từ các quốc gia này đã làm giảm kim ngạch xuất khẩu của chính họ nhiều hơn mức độ ảnh hưởng từ thuế nhập khẩu của các quốc gia phát triển. Ngay cả các quốc gia thành công như Nhật Bản, các chính sách bảo hộ thường đem lại kết quả ngược lại. Do đó, các nhà nghiên cứu chính sách cho rằng, Việt Nam cần thận trọng trong việc đánh thuế hoặc bảo hộ, thiết lập các hàng rào phi thuế quan cho hàng nguyên phụ liệu, hàng hóa trung gian.
Để đánh giá vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, TS. Đào Hoàng Tuấn cho rằng, 3 yếu tố đóng vai trò chủ chốt chính là nguồn cung nguyên vật liệu cho thế giới; thị trường tiêu thụ của chuỗi cung ứng toàn cầu; địa điểm sản xuất, đón nhận làn sóng dịch chuyển sản xuất, thuê ngoài của các công ty và thương hiệu xuyên quốc gia.
Trong khi đó, theo ông Đặng Xuân Quang – Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong những năm gần đây, FDI vào Việt Nam liên tục tăng cả về vốn đăng ký cho tới số dự án. Đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo luôn chiếm tỷ trọng lớn. Tính riêng trong năm 2016, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được 1.020 dự án đầu tư đăng ký mới, 861 lượt dự án điều chỉnh vốn.
Nhóm nghiên cứu của APD cũng khẳng định, việc tham gia vào các FTA là cách hiệu quả giúp DN giảm đáng kể các chi phí liên quan đến thuế nhập khẩu và thuế xuất khẩu, từ đó, thúc đẩy xuất khẩu cũng như tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.