Giảm tối đa chi phí, phục hồi sản xuất kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh doanh nghiệp (DN) khó khăn, tài chính suy kiệt bởi Covid-19, việc Chính phủ đồng hành, chia sẻ với DN bằng các giải pháp giảm thiểu chi phí sản xuất kinh doanh là rất cần thiết, giúp DN gượng dậy, sớm tái khởi động và phục hồi.
Trình tự thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn phức tạp, danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra quá nhiều. Ảnh: Lê Tiên
Trình tự thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn phức tạp, danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra quá nhiều. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều giải pháp chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tới nay, đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực được ban hành như: miễn, giảm, giãn các loại thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí, lãi suất… (Nghị định 52/2021/NĐ-CP, Nghị quyết số 84/NQ-CP, Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết số 68/NQ-CP…).

Mới đây là Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Trong đó, quy định cụ thể 4 giải pháp miễn, giảm thuế năm 2021. Đó là, giảm thuế thu nhập DN; miễn thuế phải nộp phát sinh trong các quý III và IV đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; giảm mức thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ trong một số ngành nghề và miễn tiền chậm nộp.

Thời gian qua, Chính phủ đã chú trọng đến các chương trình phục hồi nền kinh tế như kiểm soát dịch bệnh, mở cửa nền kinh tế; chính sách tiền tệ và tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng; đẩy mạnh đầu tư công, phát triển hạ tầng; chính sách hỗ trợ DN phục hồi về tín dụng, giảm thuế, phí, hỗ trợ chuỗi cung ứng, hỗ trợ chuyển đổi số…

“Đây là những chính sách quan trọng hỗ trợ DN, để DN có thể sớm vượt qua khủng hoảng của Covid-19. Trên phương diện kinh tế, hỗ trợ DN, người dân thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh cũng chính là phục vụ trực tiếp cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống xã hội”, ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh.

Để DN sớm tiếp cận được sự hỗ trợ, theo ông Vinh, những chính sách này cần đồng bộ và thống nhất để cộng hưởng sức mạnh hỗ trợ. Điều kiện, tiêu chuẩn của các gói hỗ trợ phải khả thi, đơn giản hóa thủ tục, dễ tiếp cận.

Chi phí kiểm tra chuyên ngành vẫn là gánh nặng

Dù dư địa hỗ trợ chính sách từ thuế, phí, giảm lãi suất không còn nhiều, nhưng theo TS. Cấn Văn Lực, tín dụng năm 2021 - 2022 có thể tăng khoảng 12 - 13%, nên các tổ chức tín dụng có thể tiết giảm chi phí, tiếp tục giảm lãi suất và phí cho DN.

Nhiều chuyên gia cho rằng, dư địa lớn nhất để giảm chi phí cho DN hiện nay chính là cải cách thủ tục hành chính. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025; Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 về Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI kiến nghị, trong thời gian tới, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính. Trong đó, tập trung đưa dự án đầu tư công vào hoạt động nhanh nhất và tháo gỡ các rào cản về thủ tục liên ngành liên quan đến đầu tư - đất đai - xây dựng - môi trường. Đồng thời, cần tiếp tục giải quyết tình trạng thời gian kiểm tra kéo dài và nội dung kiểm tra chuyên ngành chồng chéo. Thông thường, DN hay gặp trở ngại ở giai đoạn trước khi khai hải quan (đối với xác nhận mã HS) và giai đoạn khai hải quan (xác định trị giá hải quan).

“Gánh nặng tuân thủ thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành còn khá lớn. Trình tự thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn phức tạp. Danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành quá nhiều. Việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành còn phiền hà. DN phải đi lại nhiều, thậm chí có trường hợp phải tới tận các bộ, ngành mới giải quyết xong việc… gây ra phiền toái do gia tăng chi phí, thời gian tuân thủ thủ tục”, đại diện Ban Pháp chế VCCI nhận định.

Cùng với những chính sách của Nhà nước, theo khuyến cáo của ông Lực, bản thân DN cần tận dụng tối đa các nguồn hỗ trợ, tiết giảm chi phí, giữ chân lao động và tăng năng suất với mô hình 5Rs, gồm: thích ứng linh hoạt, phục hồi càng nhanh càng tốt, tái cấu trúc, đổi mới sáng tạo, tăng sức đề kháng.

Tin cùng chuyên mục