Lực lượng kiểm soát hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý 16.633 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan. Ảnh: T. Dịu |
Cơ quan chức năng không chỉ gặp trở ngại với các thủ đoạn ngày càng tinh vi này mà còn gặp nhiều vướng mắc từ cả khuôn khổ pháp lý trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, từ ngày 16/12/2017 đến ngày 15/12/2018, lực lượng kiểm soát hải quan toàn ngành đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý 16.633 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 1.702,417 tỷ đồng, thu ngân sách đạt 350,966 tỷ đồng. Cơ quan hải quan khởi tố 62 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 133 vụ.
Những con số nêu trên tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái và những năm trước đó. Tuy nhiên, theo Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan, ngành hải quan vẫn còn không ít những khó khăn trong công tác này.
Tại cuộc họp báo ngày 27/12, ông Nguyễn Khánh Quang, Phó cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết, có nhiều trường hợp cơ quan hải quan phát hiện lô hàng buôn lậu nhưng mất hàng tháng trời vẫn không truy được chủ hàng bởi doanh nghiệp đứng tên nhập khẩu hàng hoá được đăng ký bởi chứng minh thư giả hoặc chứng minh thư của người đã chết.
Đáng chú ý, trong lĩnh vực nhập khẩu phế liệu, tình trạng làm giả hồ sơ diễn biến rất phức tạp và tiếp tục trở thành hiện tượng nóng trong những tháng gần đây. “Hải quan và cơ quan điều tra đã phát hiện nhiều doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu không phải để sản xuất mà để buôn bán và lượng nhập khẩu vượt hạn ngạch rất nhiều. Điều đáng ngại là rất nhiều lô hàng phế liệu nhập khẩu không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật mà thuần túy chỉ là rác thải, có trường hợp cơ quan hải quan đã khởi tố và chuyển cơ quan điều tra tiếp tục điều tra, song có trường hợp làm giả hồ sơ và vẫn chưa tìm được chủ hàng thực sự”, ông Quang cho biết.
“Sai phạm này là rất tinh vi và liên quan đến nhiều đối tượng, một phó giám đốc sở tài nguyên từng bị bắt vì liên quan đến một vụ việc như vậy. Cơ quan hải quan sẽ tiếp tục điều tra hàng trăm doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu. Công tác điều tra ngày càng khó khăn vì doanh nghiệp đã nghĩ ra những phương thức đối phó mới ngày càng khó lường”.
Bên cạnh những trở ngại cụ thể như trên, Cục Điều tra chống buôn lậu cũng chỉ ra những khó khăn khác từ khung khổ pháp lý. Trước hết, thẩm quyền điều tra theo thủ tục tố tụng hình sự và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính với hình thức “phạt tiền” và “tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính” của cơ quan hải quan còn bị hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác điều tra, xử lý của ngành hải quan.
Mặt khác, trong hoạt động tổ chức điều tra hình sự thì việc thu giữ, bảo quản, sử dụng vật chứng để phục vụ công tác điều tra là hết sức quan trọng, nhưng cơ quan hải quan không được pháp luật cho phép xây dựng kho tạm giữ vật chứng. Do vậy, khi thu giữ vật chứng, cơ quan hải quan phải gửi ở cơ quan công an nên ảnh hưởng nhất định đến tiến độ, hiệu quả điều tra vụ án.
Thêm vào đó, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định tạm giữ người là một biện pháp ngăn chặn, nhưng cơ quan hải quan khi phát hiện tội phạm tại cửa khẩu lại không được phép tạm giữ, bắt người. Trong khi đó, nhiều đối tượng phạm tội tại cửa khẩu có quốc tịch nước ngoài, nếu không quy định cơ quan hải quan được quyền bắt người, giữ người thì việc điều tra, truy tố gặp khó khăn.
Đồng thời, một số quy định của pháp luật về hoạt động thương mại, về thủ tục hàng hóa tạm nhập - tái xuất, trung chuyển, chuyển khẩu chưa ràng buộc được trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp; chưa quy được trách nhiệm pháp lý với đối tượng kinh doanh kho bãi, bốc xếp, người vận chuyển, không xử lý được chủ thể vi phạm là người nước ngoài… nên chưa hạn chế vi phạm trong lĩnh vực chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.