Sản xuất số lượng nhỏ, làm đến đâu tiêu thụ đến đó là cách các đối tượng qua mặt cơ quan quản lý, đưa hàng giả ra thị trường. Ảnh: Yến Nhi |
Cơ quan quản lý kêu khó
Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) thuộc Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2016, cơ quan QLTT đã phát hiện tới 1.632 vụ giả nhãn hiệu, bao bì, xử phạt số tiền gần 14,5 tỷ đồng và 693 vụ giả tem, nhãn, xử phạt số tiền hơn 3,4 tỷ đồng.
“Hàng giả, hàng xâm phạm SHTT tràn lan trên thị trường, tuy nhiên việc xử lý triệt để các vi phạm này hết sức khó khăn, do phương thức và thủ đoạn vi phạm của các đối tượng rất tinh vi như: sản xuất số lượng nhỏ, làm đến đâu tiêu thụ đến đó, làm theo mùa vụ; nhập linh kiện, nguyên liệu, bao bì in sẵn từ nước ngoài sau đó lắp ráp đóng gói và dán nhãn mang đi tiêu thụ”, đại diện Cục QLTT cho biết.
Theo ông Phạm Văn Toàn, Phó Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện nay các biện pháp xử lý tội xâm phạm quyền SHTT nói chung, quyền sở hữu công nghiệp nói riêng đã có đủ, từ xử phạt hành chính đến hình sự như: phạt tù đến 3 năm, phạt tiền từ 1 - 3 tỷ đồng, cấm kinh doanh với từng hành vi vi phạm… Tuy nhiên, do nhận thức của người dân còn hạn chế, năng lực của cán bộ thực thi chưa đáp ứng yêu cầu, sự phối hợp giữa cơ quan quản lý và cơ quan giám định chưa tốt nên việc thực thi và xử lý các vi phạm SHTT rất khó khăn.
Từ góc độ của cơ quan điều tra, đại tá Nguyễn Hữu Cừ, Cục Cảnh sát kinh tế thông tin, trong 6 tháng đầu năm, cơ quan công an kinh tế đã phát hiện 286 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm SHTT và đã khởi tố 49 vụ. Việc xử lý nhóm tội phạm xâm phạm quyền SHTT khá phức tạp vì chủ thể tội phạm thường là người có trình độ, chuyên môn kỹ thuật cao, có thế mạnh về kinh tế. Đặc biệt, nhiều trường hợp người vi phạm còn giữ chức vụ, quyền hạn và có mối quan hệ rộng trong xã hội.
Cần sự chung tay của báo chí
Trước hàng loạt khó khăn trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng xâm phạm SHTT, nhiều cơ quan quản lý cho rằng, cần sự hỗ trợ tối đa của các cơ quan báo chí để có thể đẩy lùi và tiến tới xóa bỏ các hành vi làm giả hàng hóa, vi phạm quyền SHTT.
Đại tá Nguyễn Hữu Cừ nhận định, đa số người dân và doanh nghiệp (DN) chưa thực sự chủ động trong bảo vệ quyền và tài sản của mình, nhiều DN không đăng ký bảo hộ sản phẩm, còn tâm lý ỷ lại vào cơ quan thực thi pháp luật. “Chúng tôi hy vọng qua các phương tiện thông tin đại chúng, người dân và DN sẽ biết đến tác hại của hàng giả, hàng xâm phạm SHTT. Báo chí cũng sẽ là kênh quảng bá, giới thiệu các thương hiệu hàng thật, hàng Việt Nam chất lượng cao; đồng hành cùng các cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra, phanh phui tệ nạn hàng nhái, hàng giả, hàng xâm phạm SHTT” - ông Cừ bày tỏ.
Đại diện Cục QLTT cho rằng, khi bắt giữ và xử phạt các vụ việc vi phạm, rất cần cơ quan báo chí bám sát tuyên truyền, để răn đe các đối tượng đang có hành vi vi phạm hay có ý định vi phạm.