Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh được yêu cầu kế thừa và tận dụng tối đa hồ sơ, tài liệu trong bước lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; phối hợp chặt chẽ với các địa phương, cơ quan liên quan để khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi, trình Bộ trưởng Bộ GTVT xem xét, phê duyệt, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Đơn vị này cũng sẽ phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng và pháp luật về tiến độ, chất lượng hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi. Thời gian thực hiện là trong năm 2023.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 255 ngày 17/3/2023 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận.
Chiều dài Dự án khoảng 51,82 km (đoạn qua tỉnh Kiên Giang dài khoảng 45,22 km; đoạn qua tỉnh Bạc Liêu dài khoảng 6,6 km).
Trong đó, đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, dài khoảng 11,2 km; điểm đầu tại Km0+00 (khoảng Km88+540 Quốc lộ 61) thuộc địa phận huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang; điểm cuối tại Km11+200 (khoảng Km77+250 Quốc lộ 61) thuộc địa phận huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang.
Đoạn Gò Quao - Vĩnh Thuận, dài khoảng 40,62 km; điểm đầu tại Km20+600 (khoảng Km67+00 Quốc lộ 61) thuộc địa phận huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang; điểm cuối tại Km61+673 (khoảng Km65+100 Quốc lộ 63) thuộc địa phận huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang.
Về quy mô đầu tư, trong đó phần đường, bình diện và trắc dọc đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng với vận tốc thiết kế 80 km/h (theo TCVN 4054-2005); mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh 4 làn xe; mặt cắt ngang giai đoạn 1, phân kỳ đầu tư quy mô 2 làn xe với bề rộng nền đường 12m, bề rộng mặt đường 11m (kể cả gia cố lề).
Dự án thuộc nhóm A, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 3.904,66 tỷ đồng. Địa điểm thực hiện Dự án tại tỉnh Kiên Giang và tỉnh Bạc Liêu. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2022 đến năm 2025.