Giới kinh tế nghi ngờ khả năng phục hồi mạnh mẽ của Trung Quốc trong năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Vài ngày sau khi Trung Quốc công bố dữ liệu giá tiêu dùng cho thấy nước này đang trải qua chuỗi giảm phát dài nhất kể từ năm 2009, giới chuyên gia tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho rằng, kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ tăng trưởng ở mức vừa phải trong năm nay.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Theo các nhà kinh tế, mức tiêu thụ yếu, sản xuất công nghiệp thấp hơn và sự khó khăn trên thị trường bất động sản đã đè nặng lên triển vọng phục hồi mạnh mẽ vào năm 2024 của Trung Quốc.

Trong khi gần như chắc chắn đã đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% cho năm 2023, dữ liệu công bố mới đây cho thấy, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể sẽ mất đà trong quý IV.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 12/2023 giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2022 - tháng sụt giảm thứ ba liên tiếp, đánh dấu chuỗi giảm phát dài nhất kể từ năm 2009.

Các nhà đầu tư kỳ vọng, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) sẽ cắt giảm lãi suất chính sách vào ngày thứ Hai (15/1). Tuy nhiên, PBOC đã quyết định giữ nguyên lãi suất do lo ngại về sự biến động của đồng Nhân dân tệ. Theo đó, lãi suất đối với các khoản vay trung hạn (MLF) đối với một số tổ chức tài chính không thay đổi, ở mức 2,5%.

Cuộc khảo sát của WEF cho thấy, kỳ vọng của hầu hết các nhà kinh tế về lạm phát ở Mỹ và châu Âu đã được cải thiện rõ rệt, với 2/3 trong số họ hiện dự đoán mức tăng giá "vừa phải".

Khoảng 70% số người được WEF khảo sát dự báo, sự phân mảnh kinh tế toàn cầu sẽ diễn ra nhanh chóng hơn. Phần lớn trong số này cho rằng, biến động trong nền kinh tế và thị trường chứng khoán là điều có thể xảy ra.

Trong khi đó, gần như tất cả các nhà kinh tế đều dự đoán rằng, những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo sẽ dẫn đến tăng năng suất đáng kể ở các nước có thu nhập cao trong 5 năm tới.

Tin cùng chuyên mục