Từ đầu năm đến ngày 20/4/2023, có 750 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 4,1 tỷ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ 2022. Ảnh minh họa: Lê Tiên |
Băng qua khó khăn
Ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội cho biết, trong quý I/2023, đầu tư từ Nhật Bản tăng về số lượng nhưng giảm về giá trị, nhà đầu tư đặt kỳ vọng cao vào thị trường Việt Nam nhưng đang trì hoãn các khoản đầu tư thâm dụng vốn. Các công ty Nhật Bản hiện đang bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố tiêu cực. Hơn một nửa số công ty Nhật Bản tại Việt Nam định hướng xuất khẩu và 22% là nhà xuất khẩu 100%. Thị trường xuất khẩu đã giảm từ mùa hè năm ngoái đến nửa đầu năm nay, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của loạt công ty Nhật Bản.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam Torben Minko chia sẻ, Báo cáo về môi trường đầu tư kinh doanh của EuroCham từ cuối năm ngoái đã nhận định nhiều khó khăn sẽ xuất hiện kể từ đầu năm 2023. Tuy nhiên, trong khó khăn, những nỗ lực thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp FDI cũng như cải thiện môi trường đầu tư, phản ứng chính sách của Chính phủ vẫn đang giữ được niềm tin của nhà đầu tư quốc tế. Theo ông Torben Minko, hiện nay, niềm tin các nhà đầu tư châu Âu đã tăng trở lại, nhờ việc Việt Nam kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và nỗ lực điều hành chính sách tiền tệ và tài khoá của Chính phủ.
Ông Nitin Kapoor, Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam đánh giá cao việc Chính phủ đã kịp thời thành lập các tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường vốn, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh hàng loạt khó khăn cùng xuất hiện. Các tổ công tác được Chính phủ thành lập đã cho thấy khả năng phản ứng kip thời, linh hoạt, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến ngày 20/4/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 8,88 tỷ USD, bằng 82,1% so với cùng kỳ 2022.
Trên thực tế, Việt Nam vẫn là cứ điểm đầu tư quan trọng của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Sự chậm lại trong bối cảnh khó khăn chung cũng là khoảng thời gian chuẩn bị cho những kế hoạch mới.
Dù tình hình sản xuất chip và chất bán dẫn đang giảm do ảnh hưởng chung từ nhu cầu thị trường, nhưng ông Kim Sung Hun, Tổng giám đốc Công ty Amkor Technology chia sẻ, Amkor Technology vẫn duy trì hoạt động sản xuất tại Việt Nam. Nhu cầu chip sản xuất tại Việt Nam của các nhà đầu tư lớn đang cho thấy tín hiệu tích cực so với nhiều quốc gia khác. Đây là thời điểm để Công ty tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cho thời điểm thị trường phục hồi.
Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) cho biết, rất nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc coi Việt Nam là đối tác hợp tác tốt nhất của mình và đang tăng cường vốn đầu tư vào các dự án hiện hữu, đồng thời nghiên cứu đầu tư thêm lĩnh vực mới. Đặc biệt, Việt Nam đang được các doanh nghiệp công nghệ cao rất quan tâm. Với Hàn Quốc, dòng chảy đầu tư Việt Nam có xu hướng đa dạng hóa, từ sản xuất chế tạo sang công nghiệp dịch vụ, gần đây mở rộng đầu tư vào ngành công nghệ cao.
Con số thực tế về dòng chảy vốn FDI ghi nhận những tín hiệu tích cực. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến ngày 20/4/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) là gần 8,88 tỷ USD, bằng 82,1% so với cùng kỳ. Tuy tổng vốn đăng ký vẫn giảm, nhưng vốn đầu tư mới và góp vốn mua cổ phần đã tăng trở lại so với cùng kỳ.
Theo đó, có 750 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 65,2% so với cùng kỳ. Tổng vốn đăng ký đạt hơn 4,1 tỷ USD, tăng 11,1%. Cùng với đó, có 1.044 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN, tăng 1,8%, với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 3,1 tỷ USD, tăng 70,4%. Vốn đầu tư điều chỉnh vẫn giảm so với cùng kỳ 2022 (giảm 68,6%) do không có nhiều dự án điều chỉnh vốn lớn, song mức giảm đã được cải thiện hơn so với các tháng đầu năm…
Việt Nam vẫn là cứ điểm đầu tư quan trọng của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Ảnh: Lê Tiên |
Tiếp tục cải cách, giữ vững niềm tin Việt Nam
Theo nhiều nhà ĐTNN, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực cải cách, xây dựng năng lực cạnh tranh trong bối cảnh chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sắp được nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ áp dụng. Dù Việt Nam được công nhận là “ngôi sao đang lên” trong tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư, nhưng với tình hình kinh tế hiện nay, không có chỗ cho sự tự mãn. Sự chậm lại trong thực hiện thủ tục hành chính và xu hướng chi phí gia tăng đang đe dọa giảm lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, nếu không có chính sách ứng phó kịp thời.
Ông Nakajima Takeo cho biết, theo khảo sát của JETRO, 66% người Nhật Bản tại Việt Nam trả lời rằng, các thủ tục hành chính là một rủi ro, trong khi tỷ lệ này ở ASEAN chỉ có 47%. “Việt Nam nên từ bỏ các khoản phí không chính thức và thiết lập giá cả minh bạch và công bằng”, ông khuyến nghị.
Ông Kim Yong Seup, Tổng giám đốc Công ty Hyosung Đồng Nai mong nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn từ phía Chính phủ để giúp các nhà đầu tư triển khai các dự án theo đúng thời hạn dự kiến. “Nhiều doanh nghiệp quyết định mở rộng đầu tư dựa trên cam kết với khách hàng. Theo đó, hoạt động đầu tư phải theo đúng lịch trình dự kiến mới có thể cung cấp các sản phẩm cho khách hàng theo thời hạn đã hứa. Nếu nhận được sự phê duyệt/cấp phép kịp thời từ phía cơ quan chức năng sẽ giúp các doanh nghiệp giữ đúng lời hứa với khách hàng, đồng thời sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam”, ông Kim Yong Seup chia sẻ.
Đánh giá cao môi trường đầu tư cởi mở và ổn định của Việt Nam, ông Preben Elnef, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc LEGO Manufacturing Việt Nam nhấn mạnh, tính minh bạch và khả năng dự đoán của môi trường kinh doanh là rất quan trọng đối với các nhà ĐTNN. Theo đó, cơ quan chức năng nên tránh những thay đổi đột ngột trong chính sách. Ông Preben Elnef cũng khuyến nghị, Chính phủ cần tiếp tục nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động, chuyển từ lao động phổ thông sang lao động có kỹ năng cao. Cùng với đó, cần tiếp tục đầu tư vào kết cấu hạ tầng, vì đây là “xương sống” của nền kinh tế; ưu đãi và hỗ trợ thủ tục nhanh chóng với các nhà đầu tư cam kết đầu tư giảm phát thải carbon, phát triển bền vững, sử dụng năng lượng xanh…
Nhiều nhà đầu tư mong muốn Chính phủ tiếp tục rà soát các bất cập, mâu thuẫn giữa các luật để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các dự án đầu tư được thực hiện. Đặc biệt, cần sớm công bố các giải pháp chính sách ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu, để các tập đoàn, nhà đầu tư lớn chủ động lên kế hoạch đầu tư mới hoặc mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Theo thống kê sơ bộ từ cơ sở dữ liệu doanh nghiệp toàn cầu, hiện có khoảng 1.017 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó có ít nhất trên 100 doanh nghiệp lớn có khả năng chịu ảnh hưởng của sắc thuế này, nếu áp dụng từ năm 2024.