Liên kết DN FDI với DN trong nước sẽ giúp DN trong nước mạnh dần lên thông qua chuyển giao công nghệ, hỗ trợ thị trường... Ảnh: Lê Tiên |
Sẽ cần rất nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn nữa để DN trong nước được cởi trói hoàn toàn và thực sự lớn mạnh, có như vậy tăng trưởng mới có thể bắt nguồn nhiều từ nội lực quốc gia, thay vì phụ thuộc vào khu vực FDI.
DN vẫn bị gây phiền hà
Trong hai ngày thảo luận vừa qua của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đa số các ý kiến đánh giá cao tinh thần kiến tạo, hành động quyết liệt của Chính phủ để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ DN. Chính phủ đã thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe, ghi nhận ý kiến của DN và nhân dân để có giải pháp chỉ đạo kịp thời, tháo gỡ khó khăn, nhất là cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí cho DN.
Tuy nhiên, theo đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định), môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều hạn chế. Điều kiện kinh doanh, giấy phép con vẫn làm khó DN. Hiện còn có tới 5719 điều kiện đầu tư kinh doanh được đặt ra cho 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Các đoàn kiểm tra vẫn gây phiền hà cho DN. Đại biểu Nhường dẫn chứng các cuộc khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện đúng yêu cầu thanh tra, kiểm tra một lần/năm như Nghị quyết 35 của Chính phủ đã đề ra. Một DN một năm phải tiếp 6 đến 7 đoàn thanh tra, kiểm tra thuế, kiểm toán cùng với đó là các đợt kiểm tra không chính thức liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, thanh tra quản lý thị trường, y tế, đo lường... là một thực tế phổ biến.
Quy định xuất nhập khẩu hàng hóa cũng làm khó DN. Đại biểu Nhường dẫn chứng, đến tháng 7/2017, rất nhiều container bị ách lại tại các cảng dỡ hàng, không thể chuyển đến cảng đích vì quy định: phải làm thủ tục tại cửa nhập khẩu. Quy định này gây ách tắc hàng hóa và tăng gánh nặng chi phí cho DN.
Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam thấp so với một số nước trong khu vực; công nghệ chưa tốt và sản phẩm chất lượng chưa cao; năng suất lao động thuộc loại thấp trong khi chi phí logistics cảng biển cao hơn từ 1,2 đến 2 lần so với các nước như Thái Lan, Trung Quốc;…
Nhiều đại biểu đề nghị, các giải pháp của Chính phủ trong thời gian tới cần chú trọng nhiều hơn vào tháo gỡ khó khăn cho DN trong nước, từ đó giúp phát huy hơn nữa nội lực quốc gia.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, nếu không có định hướng rõ ràng, cho dù có 1 triệu DN theo Nghị quyết 35 thì cũng chỉ thay đổi về lượng mà thiếu bền vững về chất, không đóng góp nhiều cho quá trình tăng trưởng.
Theo ông Nhân, Nghị quyết Trung ương V khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng cho phát triển nền kinh tế, cùng những chỉ đạo quyết liệt và cam kết kiến tạo một môi trường kinh doanh công bằng của người đứng đầu Chính phủ đã thổi một luồng sinh khí mạnh mẽ vào môi trường đầu tư kinh doanh. Vấn đề là phải làm sao cho luồng sinh khí đó được liên tục bền vững và lan tỏa, tạo điều kiện nuôi dưỡng để khu vực kinh tế tư nhân phát triển lớn mạnh và trở thành một nguồn lực chủ yếu cho đất nước trong quá trình tăng trưởng. Đây chính là một trong những biểu hiện cơ bản nhất của hoạt động kiến tạo - điều mà Chính phủ đang từng ngày cam kết với đất nước và nhân dân.
Giúp DN trong nước mạnh lên cùng DN FDI
Con số thu hút FDI của năm 2017 là một kết quả ấn tượng. Tuy nhiên, nhiều đại biểu lưu ý cần phải xem xét lại tính liên kết giữa DN FDI và DN trong nước. Theo Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang), nếu không kết nối được thì DN trong nước sẽ không tận dụng được tiến bộ khoa học công nghệ, tiến bộ trong quản lý và chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI. Như vậy, những ưu đãi của chúng ta sẽ lãng phí, thiệt thòi cho các DN của Việt Nam.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân đề nghị Chính phủ cần cân nhắc hơn nữa khi thu hút FDI, thu hút vào các lĩnh vực, các ngành có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, có sẵn chuỗi liên kết và sẵn sàng kết nối với DN Việt Nam. Đồng thời, cần có cam kết lộ trình chuyển giao công nghệ và tỷ lệ nội địa hóa, trên hết phải ưu tiên những lĩnh vực phù hợp với mục tiêu của đề án cơ cấu lại nền kinh tế.
Trước đó, trong phiên thảo luận tại tổ ngày 24/10, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, không thể vì DN trong nước chưa phát triển được mà hạn chế DN nước ngoài, vì DN FDI vẫn có đóng góp lớn cho nền kinh tế, giải quyết rất nhiều công ăn, việc làm cho người lao động. Giải pháp là phải tăng tính liên kết giữa hai khu vực DN này để cùng nhau phát triển. Bộ KH&ĐT đang xem xét tìm các chính sách cụ thể để liên kết DN FDI với DN trong nước, góp phần thúc đẩy DN trong nước phát triển thông qua chuyển giao công nghệ, hỗ trợ thị trường… Từ đó, giúp đội ngũ DN trong nước dần mạnh lên.