Những bất cập liên quan đến đất đai đang cản trở doanh nghiệp lớn mạnh. Ảnh: Tiên Giang |
Vẫn còn bất cập
Theo kết quả tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì trong gần 7 năm, các địa phương đã triển khai thực hiện 2.194 công trình, dự án với tổng diện tích đất đã thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng là 7.882 ha (đất nông nghiệp 6.810 ha; đất ở 165 ha; đất khác 930 ha); số tổ chức, hộ gia đình cá nhân có đất thu hồi là 80.893 trường hợp (tổ chức 1.155 trường hợp; hộ gia đình, cá nhân 79.738 trường hợp).
Nhìn chung, diện tích đất được thu hồi đã đáp ứng được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương; các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư từng bước được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với cơ chế quản lý kinh tế thị trường, bảo đảm tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người bị thu hồi đất. Việc tổ chức thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của các trung tâm phát triển quỹ đất bước đầu đã phát huy hiệu quả tốt, góp phần đáp ứng nhu cầu "đất sạch" để thực hiện các dự án đầu tư, nhất là các dự án nhằm mục đích công cộng.
Tuy nhiên, theo Bộ TN&MT, việc triển khai thi hành Luật Đất đai vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, nguồn lực về đất đai vẫn chưa thực sự trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn còn diễn ra. Khó khăn trong tiếp cận đất đai vẫn là một trong những rào cản để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp diễn ra còn chậm, chưa theo kịp nhu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung, cho phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn nói riêng; đất đai manh mún đang là yếu tố cản trở người dân và doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào nông nghiệp...
Khắc phục tồn tại
Đơn cử việc thu hồi đất, Luật Đất đai cần hoàn thiện cơ chế để đẩy mạnh việc khai thác nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với các trường hợp nhà đầu tư không thỏa thuận nhận chuyển nhượng được hết diện tích đất để thực hiện dự án. Theo đó, sẽ bổ sung quy định cụ thể về thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để tạo quỹ đất với việc quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để khai thác quỹ đất; cơ chế, chế tài để đảm bảo khai thác hiệu quả quỹ đất phụ cận các công trình kết cấu hạ tầng theo quy hoạch.
Ngoài ra, việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cũng cần bảo đảm quản lý linh hoạt, phù hợp hơn với cơ chế thị trường; cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện, tạo điều kiện để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; khắc phục các vướng mắc do quy định không thống nhất giữa pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư và pháp luật về đấu thầu.
Do đó, Bộ TN&MT đề xuất bổ sung thêm các trường hợp cụ thể về chuyển mục đích sử dụng đất phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền vào Điều 57 của Luật Đất đai; bổ sung các trường hợp cụ thể về đấu giá và không phải đấu giá quyền sử dụng đất tại Điều 118 của Luật Đất đai. Hoặc chỉ quy định một chiều các trường hợp chuyển mục đích sử dụng phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền (hoặc các trường hợp không phải xin phép), còn lại không phải xin phép (hoặc phải xin phép). Tương tự, chỉ quy định các trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất (còn lại không phải đấu giá) hoặc các trường hợp không phải đấu giá (còn lại phải đấu giá) để Nhà nước giao đất, cho thuê đất.