Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước mong muốn người dân tham gia liên kết, hợp tác sản xuất, tạo năng lực phát triển mới, vươn ra thị trường thế giới. Ảnh: Lê Tiên |
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (gọi tắt là Nghị quyết TW5), đặc biệt là sự ra đời của Luật HTX 2012, khu vực kinh tế tập thể (KTTT), HTX đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức và có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhà quản lý, để HTX phát triển đúng tầm, đúng với tiềm năng và bản chất vốn có của nó thì phải tìm cách thể chế hóa và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn đang cản trở sự phát triển của mô hình này.
Tại Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết TW5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, thực tế cho thấy, công tác thực thi pháp luật về HTX chưa thực sự đi vào cuộc sống, một số chính sách chưa được thực hiện (như hỗ trợ về kết cấu hạ tầng) hoặc thực hiện chưa hiệu quả (như chính sách ưu đãi tín dụng, hỗ trợ chế biến sản phẩm); nguồn lực hạn chế và cơ chế phân bổ hỗ trợ KTTT chưa hợp lý, nhất là ở các địa phương chưa tự cân đối được thu chi ngân sách. Công tác quản lý nhà nước về KTTT, HTX chưa thực sự hiệu quả, có nơi còn buông lỏng; chưa thực hiện tốt công tác báo cáo thống kê, dẫn tới số liệu báo cáo liên quan đến KTTT, HTX không đầy đủ, không cập nhật và chưa chính xác. Bên cạnh đó, mô hình HTX kiểu mới quy mô lớn chậm được hình thành và phát triển, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị còn yếu; việc phổ biến, nhân rộng mô hình HTX hoạt động hiệu quả chưa được triển khai rộng rãi, người dân chưa được tuyên truyền, hiểu rõ và tin tưởng vào các lợi ích về kinh tế - xã hội do HTX mang lại.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu và khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển HTX; tiếp tục tổ chức có hiệu quả các chính sách hiện có và ban hành các chính sách mới phù hợp với thực tế, khuyến khích hỗ trợ phát triển HTX. Trong đó, chú ý tháo gỡ một số “nút thắt” cho HTX phát triển như vấn đề tiếp cận vốn, đất đai, tín dụng, xử lý nợ đọng, tài sản khi chuyển đổi HTX, có chính sách bảo hiểm cho cán bộ HTX…
Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác và HTX năm 2019, một số đại diện HTX cũng cho biết, hiện nay, nhiều tổ hợp tác, nông dân vẫn còn tồn tại tâm lý ngại đổi mới, chưa mạnh dạn chuyển sang mô hình HTX kiểu mới. Trong khi đó, HTX kiểu mới chưa thực sự trở thành mô hình phổ biến đủ sức cuốn hút, huy động được sự tham gia của thành viên vào các hoạt động, chưa thể hiện được tinh thần hợp tác của tổ chức. Năng lực nội tại của nhiều HTX còn yếu, thiếu nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực; sự gắn kết lợi ích giữa HTX và thành viên mờ nhạt; lợi ích kinh tế trực tiếp do HTX mang lại cho thành viên chưa nhiều. Việc liên kết, liên doanh giữa HTX với HTX, giữa HTX với các thành phần kinh tế khác còn ít, hiệu quả chưa cao.
Theo khuyến nghị của các chuyên gia trong nước và quốc tế, để HTX phát triển đúng tầm, đúng tiềm năng, cần phải đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ hợp tác, HTX, liên minh HTX; tăng cường năng lực tổ chức, điều hành hoạt động kinh doanh cho các HTX, xúc tiến thương mại, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm; tăng cường liên doanh, liên kết giữa các HTX và giữa HTX với doanh nghiệp. Trong công tác thu hút đầu tư, cần chú trọng thu hút đầu tư vào nông nghiệp, kết nối chuỗi sản xuất, liên kết với doanh nghiệp để tìm thị trường và đầu ra cho sản phẩm thì chắc chắn hiệu quả hoạt động của HTX sẽ không ngừng được cải thiện và nâng cao.