Quá trình lựa chọn nhà đầu tư, đặc biệt là đối với dự án đầu tư có sử dụng đất, đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Ảnh: Tiên Giang |
Chịu điều chỉnh của nhiều luật
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, hiện nay, một số nội dung quy định tại NĐ 30 đang phải chịu sự điều chỉnh của nhiều luật khác như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, nên trong quá trình triển khai thực hiện còn những khó khăn, bất cập, cần có biện pháp tháo gỡ. Đối với dự án đầu tư có sử dụng đất, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn chưa phân định rõ trường hợp giao đất, cho thuê đất theo một trong 3 hình thức bao gồm: đấu thầu theo Luật Đấu thầu; quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư; đấu giá quyền sử dụng đất.
Theo báo cáo từ các bộ, ngành, địa phương, một số quy định tại NĐ 30 cũng chưa thực sự phù hợp với thực tiễn triển khai như phạm vi điều chỉnh; quy trình thực hiện dự án PPP, dự án đầu tư có sử dụng đất, điều kiện chỉ định nhà đầu tư, thời gian lựa chọn nhà đầu tư. Thực tế này đòi hỏi cần sớm nghiên cứu và xây dựng Nghị định thay thế NĐ 30 để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, đặc biệt là lựa chọn nhà đầu tư cho dự án đầu tư có sử dụng đất.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, hiện khung pháp lý đang có sự không rõ ràng giữa dự án PPP, dự án đầu tư có sử dụng đất và dự án thực hiện theo hình thức “xã hội hóa”. Cụ thể, chính sách khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư theo hình thức “xã hội hóa” dễ triển khai (không phải nghiên cứu chuẩn bị dự án, không phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đối tác…). Tuy nhiên, một số học giả về chính sách công cho rằng, cách làm xã hội hóa hiện hay tuy thu hút được đầu tư nhưng cần xem xét lại ở khía cạnh mất công bằng xã hội. Đối với dự án đầu tư tư nhân trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, vẫn chưa có quy định hướng dẫn về quy trình, thủ tục, phương pháp, tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư dẫn đến công tác lựa chọn nhà đầu tư trong các lĩnh vực này chưa được minh bạch.
Bổ sung quy định về dự án xã hội hóa có sử dụng đất
Về kết cấu, Dự thảo Nghị định thay thế NĐ 30 gồm 10 chương, 99 điều, giữ nguyên các chương so với NĐ 30, sửa đổi 36 điều của NĐ 30 và bổ sung 5 điều, 2 phụ lục gồm: Bảng theo dõi tiến độ các hoạt động trong lựa chọn nhà đầu tư; Cách thức xác định giá đánh giá trong đấu thầu dự án áp dụng loại hợp đồng BT.
Bộ KH&ĐT cho biết, NĐ 30 có quy định việc lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án đầu tư sử dụng các khu đất, quỹ đất có giá trị thương mại cao, cần lựa chọn nhà đầu tư để xây dựng công trình thuộc đô thị, khu đô thị mới, nhà ở thương mại, công trình thương mại và dịch vụ, tổ hợp đa năng. Tuy nhiên, nhiều địa phương phản ánh, quy định về khái niệm “khu đất, quỹ đất có giá trị thương mại cao” của NĐ 30 chưa được rõ ràng, do đó gây lúng túng trong việc quyết định thực hiện dự án theo quy định của Luật Đấu thầu hay Luật Đầu tư.
Bên cạnh đó, Khoản 3 Điều 6 Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, thể thao, văn hóa, môi trường quy định: “Trường hợp có từ hai nhà đầu tư trở lên cùng đăng ký lựa chọn một địa điểm để thực hiện dự án đầu tư trong lĩnh vực xã hội hóa thì thực hiện chọn nhà đầu tư theo phương thức đấu thầu để lựa chọn dự án đáp ứng cao nhất các tiêu chí về quy mô, chất lượng, hiệu quả”. Tuy nhiên, hiện nay Luật Đấu thầu và NĐ 30 chưa có quy định liên quan đến lựa chọn nhà đầu tư trong lĩnh vực xã hội hóa.
Trên cơ sở thống nhất cao của các bộ, ngành, địa phương, Nghị định thay thế NĐ 30 lần này đã đưa ra quy định về phạm vi điều chỉnh gồm: dự án PPP; dự án đầu tư có sử dụng đất để đầu tư xây dựng công trình thuộc đô thị trong các lĩnh vực: nhà ở thương mại, công trình thương mại, dịch vụ, công trình đa năng (tổ hợp đa năng), công trình vui chơi, giải trí; giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường có từ hai nhà đầu tư trở lên quan tâm đầu tư dự án tại cùng một khu đất, đáp ứng điều kiện được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật về xã hội hóa; dự án phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành khác.
Bên cạnh đó, đối với các dự án không thuộc phạm vi điều chỉnh (đất đã giải phóng mặt bằng hoặc đất ngoài khu đô thị) của Dự thảo Nghị định thay thế NĐ 30, trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định tổ chức đấu thầu thì chọn áp dụng quy định của Luật Đấu thầu và nghị định này.