Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Vẫn còn chồng chéo, mâu thuẫn
Tại Hội thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 11/8, tại Hà Nội, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, sau hơn 1 năm triển khai, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014 bước đầu đã đi vào cuộc sống, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng và an toàn hơn cho doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, thực tế quá trình thực thi luật vẫn còn không ít vấn đề và vướng mắc phát sinh; trong đó có sự khác nhau, không tương thích, mâu thuẫn giữa một số quy định của Luật Đầu tư, Luật DN với quy định của các luật chuyên ngành khác.
Cũng theo ông Cung, hiện có ý kiến cho rằng có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định của Luật Đầu tư, Luật DN với các quy định của các luật chuyên ngành. Tuy nhiên, các ý kiến này mới chỉ là những phát hiện mang tính hình thức, chưa xác định được nội dung cụ thể là gây ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN.
Thảo luận tại Hội thảo, liên quan đến chủ trương chấp thuận đầu tư dự án, một số đại biểu nêu ý kiến nên loại bỏ các thủ tục không cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, cần nhìn tổng thể các luật, để loại bỏ bất cập, nhất là bất cập khi triển khai dự án liên quan nhiều luật như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đất đai…
Cũng theo ông Hiếu, dù liên quan đến nhiều luật nhưng việc chấp thuận chủ trương đầu tư tập trung chủ yếu đến 3 cơ quan chính là Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, vì mỗi lần cần tham mưu, UBND cấp tỉnh lại lấy ý kiến từ 3 đơn vị này. Cách làm như vậy đang gây ra sự trùng lặp, khiến nhà đầu tư mất nhiều chi phí và thời gian.
Tập trung sửa đổi các quy định chưa rõ ràng
Đối với Luật DN 2014 và Luật Đầu tư 2014, ông Hiếu cho biết, dự kiến sửa đổi lần này tập trung vào một số quy định chưa cụ thể, chưa rõ ràng; sự tương thích giữa hai luật này với các luật chuyên ngành. Chẳng hạn như đối với quy định về đăng ký DN, trên thực tế một số hoạt động kinh doanh như chứng khoán, bảo hiểm, giám định tư pháp, luật sư, công chứng… hoạt động dưới các hình thức DN theo Luật DN, nhưng lại thực hiện thủ tục đăng ký DN theo quy định riêng và tại cơ quan khác.
Ông Hiếu cũng chỉ ra, quy định quyền của cổ đông phổ thông tại Luật DN 2014 chưa thực sự rõ ràng, dẫn đến cổ đông nhỏ khó tiếp cận thông tin của các cổ đông khác trong công ty. Điều này làm giảm hiệu lực quy định về bảo vệ cổ đông nhỏ của Luật DN. Vì vậy, theo ông Hiếu, quyền của cổ đông phổ thông cần quy định rõ hơn trong việc tiếp cận thông tin về cổ đông trong công ty.
Cũng theo ông Hiếu, Luật DN 2014 quy định việc ủy quyền dự họp đại hội đồng cổ đông phải thực hiện theo mẫu ủy quyền do công ty phát hành. Tuy nhiên, quy định này “vô tình” đã tạo điều kiện cho công ty hạn chế, gây khó khăn cho cổ đông, cổ đông nhỏ ủy quyền cho người khác dự họp đại hội đồng cổ đông.