Gỡ khó xã hội hóa đơn vị sự nghiệp công lập

(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa hoàn thiện Dự thảo Quyết định về tiêu chí, danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đổi chủ sở hữu đơn vị sự nghiệp công lập nhằm đẩy mạnh việc xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập, huy động các nguồn lực xã hội, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công chất lượng cao.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Dự thảo Quyết định gồm 6 điều, áp dụng cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, để đảm bảo việc chuyển đổi chủ sở hữu đơn vị sự nghiệp công lập mang lại hiệu quả cao, Dự thảo Quyết định đưa ra 4 tiêu chí chuyển đổi đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần. Thứ nhất là tự đảm bảo được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên trong vòng 5 năm gần nhất với thời điểm thực hiện quyết định chuyển đổi; hoặc có khả năng tự bảo đảm được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên sau khi chuyển đổi. Thứ hai là các hoạt động khác có khả năng xã hội hóa cao, như: nghiên cứu và phát triển; quản lý bến tàu xe, hoạt động tư vấn kiểm định. Thứ ba là phù hợp với quy hoạch mạng lưới tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (nếu có). Thứ tư là có tổ chức, doanh nghiệp xã hội đề xuất tiếp nhận cung cấp dịch vụ.

Đánh giá sơ bộ về hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ KH&ĐT cho biết, hiện số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập rất lớn, hoạt động trong nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, hàng năm sử dụng nhiều ngân sách nhà nước, tuy nhiên tình hình hoạt động có nhiều khó khăn. Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, cả nước hiện có 5.064 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó, khối địa phương là 4.387 đơn vị; khối bộ, ngành là 636 đơn vị; khối tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước là 41 đơn vị. Tuy nhiên, trong số hơn 5.000 đơn vị sự nghiệp công lập này, chỉ có khoảng 170 đơn vị (chiếm 3,37%) đảm bảo được kinh phí hoạt động thường xuyên và đề xuất chuyển đổi hoạt động theo hình thức công ty cổ phần.

Cũng theo ghi nhận của Bộ KH&ĐT, quá trình hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Mô hình hoạt động của các đơn vị này chưa đổi mới, đồng bộ, dẫn đến chất lượng và hiệu quả còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc phân bổ kinh phí hoạt động thường xuyên còn mang tính bình quân, trên cơ sở nguồn thu sự nghiệp của đơn vị và khả năng ngân sách nhà nước, chưa gắn kết giữa giao nhiệm vụ và giao kinh phí…

Nguyên nhân chủ yếu của những vướng mắc này được xác định là do các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn tâm lý e ngại, tư tưởng trông chờ vào ngân sách nhà nước. Khi chuyển sang mô hình doanh nghiệp, còn lúng túng trong quản lý, gặp nhiều khó khăn trong quá trình tham gia vào mối quan hệ thị trường, cung cầu, cạnh tranh.      

Tin cùng chuyên mục