Gỡ nhanh các điểm nghẽn, lấy hiệu quả làm thước đo

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2023, tình hình phát triển kinh tế - xã hội nước ta đạt nhiều kết quả nổi bật, nhưng thách thức ngày càng lớn do bối cảnh thế giới phức tạp, khó khăn. Sức ép điều hành tăng trưởng kinh tế, bảo đảm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát đang đòi hỏi các giải pháp điều hành linh hoạt, hiệu quả, tập trung nỗ lực gỡ nhanh các điểm nghẽn…
Standard Chartered dự báo, GDP của Việt Nam tăng trưởng 7,2% năm 2023. Ảnh: Lê Tiên
Standard Chartered dự báo, GDP của Việt Nam tăng trưởng 7,2% năm 2023. Ảnh: Lê Tiên

Thành quả đan xen khó khăn

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2023, nước ta tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Với sự nỗ lực, phấn đấu như vậy, khả năng cả năm sẽ kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội giao. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới có tín hiệu tích cực, 2 tháng đạt 1,76 tỷ USD, cao gấp 2,8 lần cùng kỳ năm 2022.

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 2/2023 đạt 51,2 điểm, cho thấy sản xuất đã có dấu hiệu tích cực trở lại, kết thúc chuỗi giảm kéo dài 3 tháng trước đó.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ, trong cuộc họp về xuất khẩu mới đây, doanh nghiệp cho biết có thêm nhiều đơn hàng mới, tình hình tháng 4 - 5 sẽ tốt hơn.

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, diễn biến kinh tế thế giới rất khó khăn. Mỹ và một số nền kinh tế tiếp tục nâng lãi suất đến giữa năm 2023, lạm phát cao, xuất khẩu nhiều nước giảm mạnh… Trong bối cảnh phức tạp này, các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam là điểm đến ổn định, tuy kinh tế nửa đầu năm 2023 còn rủi ro, nhưng đánh giá triển vọng phục hồi tích cực cuối năm.

Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam sẽ đạt mức cao. IMF kỳ vọng, Đông Nam Á sẽ là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với 5 nền kinh tế lớn nhất trong đó có Việt Nam; Standard Chartered dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ có tốc độ tăng GDP đạt 7,2% năm 2023. Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu nước nước ngoài…

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, khó khăn, thách thức ngày càng gia tăng. Do bối cảnh thế giới khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, nhất là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu… đang gặp nhiều thách thức. Theo thống kê, tăng trưởng tín dụng đến ngày 24/02 mới đạt 0,77% so với cuối năm 2022 (tính đến thời điểm ngày 17/01 tăng 0,65%). Thực tế này cho thấy, khó khăn trong khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế là rõ ràng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đều giảm so với cùng kỳ năm trước; mặc dù xuất khẩu sang Trung Quốc tăng (4,2%), nhưng không bù đắp được sự suy giảm tại các thị trường lớn khác như Mỹ (giảm 21%), Hàn Quốc (giảm 5,7%), ASEAN (giảm 7,9%), EU (giảm 4,2%), Nhật Bản (giảm 5,9%)…

Đặt câu hỏi: “Tại sao tín dụng tăng trưởng thấp trong bối cảnh room tín dụng dồi dào, thanh khoản hệ thống tốt hơn, các điều kiện cấp tín dụng vẫn được Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên?”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, có một số nguyên nhân. Đó là, sức khỏe nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được các điều kiện vay vốn, sau giai đoạn dài doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Thứ đến, đơn hàng của nhiều doanh nghiệp suy giảm khiến nhu cầu vay vốn để đầu tư sản xuất thấp hơn năm trước. Doanh nghiệp và nhiều thị trường khó khăn khiến tín dụng bất động sản tăng chậm lại… Theo góc nhìn của Ngân hàng Nhà nước, khó khăn của lĩnh vực bất động sản hiện nay chủ yếu là vấn đề pháp lý (chiếm 70%), do đó, nếu pháp lý được gỡ vướng, các tổ chức tín dụng mới có điều kiện thúc đẩy giải ngân.

Ở góc độ tài khóa, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thu nội địa tiếp tục tăng, nhưng tốc độ có dấu hiệu chậm lại; thu thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm so với cùng kỳ 2022. Tình hình sản xuất kinh doanh, thị trường bất động sản khó khăn, nhiều doanh nghiệp nợ thuế…

Tăng trưởng tín dụng đến ngày 24/2 mới đạt 0,77% so với cuối năm 2022 cho thấy khó khăn trong hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế. Ảnh: Song Lê

Tăng trưởng tín dụng đến ngày 24/2 mới đạt 0,77% so với cuối năm 2022 cho thấy khó khăn trong hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế. Ảnh: Song Lê

Điều hành linh hoạt, hiệu quả, hài hòa 4 mục tiêu

Với kết quả 2 tháng đầu năm như trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần kịp thời có chính sách hiệu quả đối với những diễn biến nảy sinh. Quá trình điều hành cần giữ đúng nguyên tắc cơ bản nhưng linh hoạt, sáng tạo, lấy hiệu quả làm thước đo. Phát huy tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, chú trọng công tác phối hợp giữa các bộ, ngành...

Thủ tướng nêu quan điểm kiên định, nhất quán mục tiêu là phải ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Trên cơ sở mục tiêu này, các bộ, ngành chủ động phân tích nắm tình hình để đưa ra các giải pháp, đảm bảo sự cân bằng hài hòa 4 yếu tố: lãi suất và tỷ giá; tăng trưởng và lạm phát; giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau; giữa tình hình trong nước và ngoài nước.

Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành để nhanh chóng tháo gỡ các điểm nghẽn, hóa giải thách thức, tranh thủ cơ hội. Trong đó, NHNN thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; nghiên cứu, tổ chức thực hiện để giảm mặt bằng lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn, tăng trưởng tín dụng hướng vào các động lực tăng trưởng (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu) và các lĩnh vực ưu tiên đã xác định. Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thiện Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhưng chính sách không được tạo ra sự thay đổi đột ngột, giật cục. Tinh thần là tất cả các chủ thể phải cùng tháo gỡ, chú trọng tháo gỡ pháp lý cho các dự án.

Thủ tướng cũng chỉ đạo phải xử lý dứt điểm tình trạng thiếu vật liệu xây dựng thông thường cho dự án trọng điểm, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công để hỗ trợ cho nền kinh tế…