Gỡ nút thắt để bứt tốc các dự án giao thông lớn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để bảo đảm các mốc tiến độ triển khai và hoàn thành cùng lúc nhiều dự án giao thông lớn, Bộ Giao thông vận tải, địa phương và nhà thầu thi công trên các đại công trường đang nỗ lực xoay xở tháo gỡ các khó khăn về mặt bằng và thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng.
Nhiều dự án giao thông bị thiếu nguồn cung vật liệu cát và đá xây dựng do các địa phương đang triển khai hàng loạt công trình quy mô lớn. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều dự án giao thông bị thiếu nguồn cung vật liệu cát và đá xây dựng do các địa phương đang triển khai hàng loạt công trình quy mô lớn. Ảnh: Lê Tiên

Bộ GTVT cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua các địa phương tích cực triển khai công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và đã có sự chuyển biến đáng kể tại Dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận ở tỉnh Kiên Giang; cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng ở tỉnh Lạng Sơn; Dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu ở Đồng Nai.

Tuy nhiên, do phần diện tích còn lại chủ yếu là đất ở, việc triển khai xác định nguồn gốc, phương án đền bù phức tạp nên khối lượng GPMB tại một số địa phương vẫn còn rất lớn, chưa đáp ứng yêu cầu. Hiện tỷ lệ bàn giao mặt bằng của tỉnh Tuyên Quang tại Dự án Xây dựng đường Hồ Chí Minh, đoạn Chợ Chu - Ngã 3 Trung Sơn mới đạt 7,5%; tại Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đạt 81%; tỉnh Đồng Nai bàn giao 42% theo chiều dài và 67% theo diện tích tại Dự án thành phần 1 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; tỉnh Bình Dương bàn giao 89% tại Dự án thành phần 5 đường Vành đai 3 TP.HCM; tỉnh Khánh Hòa bàn giao 90% tại Dự án thành phần 1 cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; tỉnh Kiên Giang bàn giao 78%, tỉnh Bạc Liêu bàn giao 82% tại Dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận.

Bên cạnh đó, công tác GPMB để xây dựng trạm dừng nghỉ tại các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông còn chậm, ảnh hưởng đến kế hoạch hoàn thành để đưa vào khai thác đồng bộ. Nhiều địa phương vẫn chưa bàn giao diện tích GPMB để thi công các trạm dừng nghỉ như: Quảng Bình có 180 m tuyến chính tại cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ; Quảng Trị có 49 m tuyến chính (bị cản trở thi công) và một số vị trí tại 3 nút giao, 1 cầu vượt ngang; An Giang có 0,41 km; Cần Thơ có 0,85 km; Sóc Trăng có 0,52 km; Hà Nội có 4,05 km; Bắc Ninh có 0,9 km; Long An có 0,13 km; TP.HCM có 0,35 km; Đà Nẵng còn 150 m tại cao tốc Hòa Liên - Túy Loan chưa bàn giao mặt bằng, thực tế còn 1,5 km đã bàn giao nhưng chưa triển khai thi công được do chậm chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ.

Ngoài “nút thắt” về mặt bằng, nhiều dự án giao thông lớn vẫn còn gặp khó khăn về nguồn cung vật liệu xây dựng. Chẳng hạn, tỉnh Đồng Nai chậm trong triển khai, hoàn thiện các thủ tục cấp mỏ đất đắp, ảnh hưởng lớn đến tiến độ hoàn thành Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Tình trạng thiếu nguồn cung vật liệu cũng diễn ra ở các dự án lớn khác. Tại Dự án Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, thủ tục cấp 2,6 triệu m3 cát (tỉnh Tiền Giang 0,6 triệu m3, tỉnh Bến Tre 2 triệu m3) đang được hoàn thiện, nhưng chưa xác định được nguồn cung. Dự án Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng qua tỉnh An Giang chưa xác định nguồn cung 3 triệu m3 cát; tỉnh Tiền Giang đang thực hiện thủ tục cấp phép mỏ 2,7 triệu m3 cho Dự án thành phần 2 của tuyến cao tốc này nhưng chưa xác định được nguồn cung cho 1,85 triệu m3 cát thiếu còn lại.

Một số dự án giao thông quan trọng gặp vướng mắc, bất cập trong công tác giải phóng mặt bằng phần diện tích đất ở. Ảnh: Lê Tiên
Một số dự án giao thông quan trọng gặp vướng mắc, bất cập trong công tác giải phóng mặt bằng phần diện tích đất ở. Ảnh: Lê Tiên

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, Lãnh đạo Tổng công ty 36 cho biết, tại Dự án Cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang, sản lượng thi công tính đến ngày 10/12/2024 của Nhà thầu đạt 842,73 tỷ đồng (64,52% giá trị hợp đồng). Khối lượng cát đã thi công đạt 642.870 m3, còn phải huy động 206.110 m3. Thời gian qua, Nhà thầu đã cùng Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm việc với các địa phương để bổ sung thêm nguồn cát, đá phục vụ thi công Dự án. Đến nay, mỏ cát đặc thù Phú An thuộc tỉnh An Giang đã cấp cho Nhà thầu thi công dự án với trữ lượng 571.000 m3 và đã hết trữ lượng khai thác. Hiện nay tỉnh An Giang đã tạm dừng khai thác 7 trong số 9 mỏ do khai thác hết công suất năm 2024, trong đó có mỏ cát Phú An. Nhà thầu đã chủ động mua cát tại mỏ cát thương mại khác và nguồn cát từ Campuchia để thi công. Để bảo đảm không bị gián đoạn thi công, Nhà thầu đang tích cực làm việc với UBND tỉnh Bến Tre và tỉnh Đồng Tháp để thực hiện thủ tục bổ sung mỏ cho Dự án.

Ông Lê Văn Tiến, Chỉ huy trưởng công trường của Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không ACC tại Gói thầu 4.6 của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành cho biết, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang triển khai hàng loạt công trình nên tình trạng thiếu nguồn cung vật liệu cát và đá xây dựng diễn ra trên phổ rộng. Các công trình và dự án khác của địa phương gần khu vực xây dựng sân bay Long Thành cũng đang ráo riết đẩy nhanh tiến độ, dẫn đến nguồn cung vật liệu bị cạn kiệt. Đến tháng 10/2024, trữ lượng các mỏ được cấp phép tại Đồng Nai đã khai thác hết công suất và số lượng. Nhà thầu thiếu cát và đá xây dựng nên việc thi công có lúc bị gián đoạn, trong khi tiến độ triển khai gấp rút từng ngày (hạng mục cất hạ cánh phải hoàn thành vào ngày 30/4/2025 và toàn bộ Gói thầu 4.6 phải hoàn thành vào ngày 31/7/2025). Tại đại công trường này, Nhà thầu đang huy động hơn 2.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân với hơn 400 đầu máy, xe, thiết bị để cấp tập thi công 24/24. Hiện nay, mặc dù phải mua với giá cao, không được tính chi phí vận chuyển nhưng Nhà thầu buộc phải huy động cát, đá thương mại ở các địa phương khác như Bà Rịa - Vũng Tàu để phục vụ thi công.

Để tháo gỡ 2 nút thắt nói trên, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm, các địa phương phải đẩy nhanh công tác GPMB để bàn giao toàn bộ phần mặt bằng còn lại trong tháng 12/2024, nhất là các tỉnh Tuyên Quang, Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Nai, Kiên Giang, Bạc Liêu và thành phố Đà Nẵng. Bộ GTVT đã yêu cầu các địa phương liên quan nỗ lực hơn nữa, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong GPMB các trạm dừng nghỉ để sớm bàn giao mặt bằng đủ điều kiện thi công trong tháng 12/2024 đối với 6 trạm dừng nghỉ đã lựa chọn xong nhà đầu tư và trong tháng 1/2025 đối với 13 trạm dừng nghỉ còn lại. Về vật liệu xây dựng, Bộ GTVT yêu cầu các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng, An Giang thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 490/TB-VPCP ngày 26/10/2024, hoàn thiện thủ tục cấp phép trong tháng 12/2024 để cung ứng cho các dự án, trong đó ưu tiên cho Dự án Cần Thơ - Cà Mau và Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh có tiến độ hoàn thành vào năm 2025. Tỉnh Đồng Nai đẩy nhanh tiến độ cấp mỏ đất đắp cho nhà thầu tại dự án Biên Hòa - Vũng Tàu bảo đảm khai thác trong tháng 12/2024. Thành phố Đà Nẵng và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Nai, Bình Dương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục để nâng công suất các mỏ đá, ưu tiên cho các dự án trọng điểm khu vực phía Nam.

Tin cùng chuyên mục