![]() |
Nhiều địa phương xác định việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án và doanh nghiệp, đẩy mạnh đầu tư ngoài ngân sách nhà nước là giải pháp quan trọng để tạo động lực cho tăng trưởng. Ảnh: Anh Tuấn |
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng trên 10% năm nay, Thành phố sẽ tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các dự án và doanh nghiệp theo Kết luận số 77-KL/TW ngày 2/5/2024 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 170/2024/QH15 (cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP.HCM, TP. Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa), tạo điều kiện cho các dự án sớm được triển khai trong năm, tăng lượng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn. Thành phố phấn đấu tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt trên 50 nghìn tỷ đồng (năm 2024 là 33 nghìn tỷ đồng). Trong đó, vốn khu vực nhà nước khoảng 10 nghìn tỷ đồng, vốn tư nhân khoảng 40 nghìn tỷ đồng.
Ông Lê Trung Chinh cho biết, Đà Nẵng đang chủ động tháo gỡ những nội dung thuộc thẩm quyền để khơi thông nguồn lực. Dự kiến, trong quý I, quý II/2025 sẽ có những dự án lớn được khởi công với tổng vốn đầu tư khoảng trên 100.000 tỷ đồng; nhiều dự án trong số 1.340 dự án theo Nghị quyết số 170/2024/QH15 sẽ được tháo gỡ và đưa vào đầu tư. Sân vận động Chi Lăng sẽ hoàn thành điều chỉnh quy hoạch và giải phóng mặt bằng trước 30/4/2025, đủ điều kiện để đấu giá trong năm 2025. Thành phố đang tiếp tục rà soát, đề xuất tháo gỡ tiếp một số dự án lớn như phần diện tích 181 ha, 29 ha tại khu vực lấn biển Thuận Phước...
Đối với TP.HCM, tại Nghị quyết 25/NQ-CP, Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng GRDP của Thành phố đạt 8,5%. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được cho biết, giải pháp hàng đầu thời gian tới của Thành phố là tập trung cải cách hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn, dự án tồn đọng, có vướng mắc, dự án dừng thi công, khẩn trương triển khai và hoàn thành đưa vào sử dụng để tránh lãng phí, thất thoát. TP.HCM sẽ phân loại, có giải pháp cụ thể cho từng nhóm việc, từng vướng mắc và xin ý kiến của Chính phủ, các bộ, ngành để sớm tháo gỡ, đưa các dự án đi vào hoạt động, tạo nguồn thu ngân sách, nguồn lực cho Thành phố phát triển trong thời gian tới. Ông Nguyễn Văn Được khẳng định, việc này dù hết sức khó khăn nhưng TP.HCM quyết tâm làm, đồng thời kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành hỗ trợ Thành phố gỡ khó cho những dự án còn tồn đọng kéo dài cũng như khơi thông nguồn lực. Thành phố sẽ tập trung rà soát và xử lý vướng mắc, báo cáo cấp thẩm quyền và các ngành có liên quan để phối hợp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
![]() |
Nhiều dự án lớn sẽ được gỡ khó để triển khai ngay trong năm 2025. Ảnh: Tiên Giang |
Với mục tiêu phấn đấu tăng trưởng năm 2025 vượt 14%, cao hơn chỉ tiêu Chính phủ giao là 12%, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Đức Ấn cho biết, Tỉnh xác định lấy đầu tư công, lấy đầu tư ngoài ngân sách làm động lực tăng trưởng chính. Với đầu tư công, ngay từ đầu năm, Tỉnh đã phân giao trách nhiệm để đẩy nhanh tiến độ, đầu tư nhanh nhất, sớm nhất với mục tiêu là giải ngân 100% vốn, triển khai các giải pháp để tăng thu ngân sách, bổ sung nguồn lực chi đầu tư phát triển trong năm với một số dự án mới. Với đầu tư ngoài ngân sách, Tỉnh coi đây là giải pháp đặc biệt quan trọng, có tính quyết định trong năm nay. Những khó khăn vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư triển khai dự án với những mấu chốt phải tháo gỡ và cần nhận diện như quy hoạch, giải phóng mặt bằng, đất đai, tài nguyên được Tỉnh rà soát, thống kê và giao trách nhiệm xử lý. Đối với các dự án lớn, Thường trực Tỉnh ủy, trực tiếp là Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thường trực UBND giao ban, nghe báo cáo và xử lý hàng tuần.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh giải pháp trước tiên là khai thác, phát huy các động lực và nguồn lực truyền thống. Về nguồn đầu tư công, Hà Nội phấn đấu giải ngân 87.000 tỷ đồng trong kế hoạch, đặc biệt tập trung vào các dự án hạ tầng giao thông lớn như cầu, đường sắt đô thị; tiếp tục rà soát khoảng 200 dự án chậm triển khai.
Nhiều địa phương khác cũng xác định giải pháp quan trọng để tạo động lực trong năm 2025 là đẩy mạnh đầu tư công và giải phóng nguồn lực bị ách tắc ở các dự án tồn đọng, vướng mắc, dừng hoạt động nhiều năm. Giải pháp này sẽ ngay lập tức tạo ra tác động lan tỏa đến tăng trưởng kinh tế của địa phương và cả nước.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, dư nợ tín dụng bất động sản của hệ thống hiện nay là 3,48 triệu tỷ đồng, nhưng rất nhiều dự án đang gặp khó khăn. Tháo gỡ khó khăn cho những dự án bất động sản này sẽ giúp dòng tiền quay trở lại ngân hàng, tăng hiệu quả cho hoạt động tín dụng. Thống đốc cho rằng, cải cách, tháo gỡ khó khăn, giảm tầng nấc trung gian, rút ngắn thời gian phê duyệt, triển khai dự án cũng là biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và dòng vốn sẽ được quay vòng nhanh hơn, ngân hàng có điều kiện tiếp tục cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp và người dân, giúp việc giảm lãi suất cho vay thuận lợi hơn.