Giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng năm 2023 ước đạt trên 267.625 tỷ đồng, bằng 37,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ảnh: Tiên Giang |
Nhiều đơn vị giải ngân chậm, xin giảm vốn
Theo số liệu của Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng năm 2023 ước đạt trên 267.625 tỷ đồng, bằng 37,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm trước (34,47%), về số tuyệt đối cao hơn 80.777 tỷ đồng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đánh giá, đây là tháng thứ 2 liên tiếp tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2022 cả về tỷ lệ và số vốn giải ngân. Tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT, còn nhiều bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân thấp, không có chuyển biến nhiều về tỷ lệ giải ngân qua các tháng, với 43 bộ, cơ quan trung ương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước, thậm chí nhiều cơ quan giải ngân dưới 10%.
Phía địa phương, số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, bên cạnh nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, như Hải Phòng 73,33%; Đồng Tháp 61,74%; Tiền Giang 60,39%; Tây Ninh 60,04%..., còn nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn khá nhiều mức trung bình của cả nước. 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp nhất là: Đà Nẵng, Hòa Bình, Gia Lai, Cao Bằng, Khánh Hòa, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hải Dương, Quảng Trị, TP.HCM.
Theo Bộ KH&ĐT, đến ngày 31/7/2023, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương 2023 là 7.112,116 tỷ đồng, trong đó vốn trong nước là 5.582,75 tỷ đồng và vốn nước ngoài là 1.529,367 tỷ đồng. Trong số này có 5.353,742 tỷ đồng của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa phân bổ chi tiết và 1.758,374 tỷ đồng từ 7 địa phương đã phân bổ chi tiết nhưng vẫn kiến nghị điều chỉnh giảm kế hoạch.
Ngược lại, có 2 cơ quan trung ương và 10 địa phương đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 để đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ, dự án với tổng số vốn là 5.093,656 tỷ đồng, trong đó vốn trong nước là 4.871 tỷ đồng và vốn nước ngoài là 222,24 tỷ đồng.
Nhiều địa phương đề xuất khơi thông những điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng, quy trình thủ tục phức tạp để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công. Ảnh: Nhã Chi |
Khơi thông điểm nghẽn
Theo Bộ KH&ĐT, tổng hợp kết quả các đoàn công tác của Chính phủ làm việc với 60 địa phương, sơ bộ, tình hình giải ngân vốn đầu tư công chậm do việc ban hành văn bản quy định và phân bổ các nguồn vốn thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia chậm; việc tính toán giá đất đền bù, giải phóng mặt bằng, công tác chuyển đổi đất rừng, đất lúa mất nhiều thời gian; giá nguyên vật liệu tăng cao; các dự án giao thông cần một khối lượng lớn đất cấp phối để phục vụ thi công, nhưng thời gian xin giấy phép khai thác mỏ dài và số lượng mỏ đất đá hạn chế.
Vướng mắc được địa phương phản ánh nhiều nhất là các thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ tái định cư (giao đất, thuê đất, xác định tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng, đất lúa…). Tiếp theo là các vướng mắc về thủ tục đầu tư công, xây dựng (phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án, thẩm định thiết kế cơ sở…).
Các kiến nghị chủ yếu từ địa phương để đẩy nhanh giải ngân tập trung vào phân cấp mạnh hơn cho địa phương thực hiện một số thủ tục; đơn giản thủ tục hành chính từ đó khơi thông những điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng, quy trình thủ tục phức tạp kéo dài thời gian…
Trong đó, rất nhiều địa phương phản ánh vướng mắc về quy định dự án đầu tư xây dựng dù lớn hay nhỏ, nếu có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên đều phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng. Nhiều địa phương như Hưng Yên, Hải Dương đề nghị lược bỏ bớt các dự án đầu tư công có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất lúa 2 vụ dưới 10 ha ra khỏi đối tượng lập báo cáo ĐTM; phân cấp cho UBND cấp tỉnh thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM đối với dự án đầu tư công xây dựng hạ tầng có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất lúa 2 vụ từ 10 ha đến 100 ha.
Bắc Giang nêu khó khăn đối với những dự án xây dựng có cầu bắc qua sông là ranh giới hành chính 2 tỉnh theo quy định do cơ quan chuyên môn thuộc bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định. Thời gian di chuyển, phối hợp, bổ sung, giải trình hồ sơ thẩm định kéo dài. Các thủ tục thỏa thuận về thiết kế, đấu nối, cấp phép đê điều… còn phức tạp, chồng chéo, phải xin ý kiến nhiều cấp, nhiều bộ, ngành mất nhiều thời gian ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các cơ quan ở địa phương và giảm bớt thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các địa phương, chủ đầu tư chủ động thực hiện đẩy nhanh tiến độ dự án.
Có 2 cơ quan trung ương và 10 địa phương đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 để đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ, dự án với tổng số vốn là 5.093,656 tỷ đồng, trong đó vốn trong nước là 4.871 tỷ đồng và vốn nước ngoài là 222,24 tỷ đồng
Thanh Hóa phản ánh thời gian cấp phép khai thác mỏ làm vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp theo quy định của pháp luật còn dài, thông thường phải mất 18 tháng. Từ đó, đề nghị xem xét, xác định “đất san lấp” là vật liệu thông thường, không phải khoáng sản theo quy định tại Luật Khoáng sản; xây dựng cơ chế nâng công suất khai thác trong trường hợp có nhu cầu, khi đơn vị đáp ứng đầy đủ các quy định liên quan và nộp thuế, phí đầy đủ theo quy định...
Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Thuận, Hà Nam, Hải Dương, Lai Châu, Kon Tum… tiếp tục kiến nghị sửa đổi quy định theo hướng cho phép tách công tác bồi thường hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập.
Đánh giá giải ngân đầu tư công là động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu cho nền kinh tế Việt Nam năm 2023, bà Vũ Hoàng Quyên, Chuyên gia quản trị công cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB), khuyến nghị biện pháp rất hiệu quả là theo dõi, quản lý sát theo mục tiêu đề ra, tất cả cơ quan trung ương và địa phương chịu trách nhiệm với các mục tiêu đó như Chính phủ đang làm. Cũng theo bà Quyên, việc linh hoạt điều chuyển vốn đầu tư công trong một cơ quan và giữa các cơ quan là rất cần thiết để đẩy nhanh kế hoạch vốn.
Bà Vũ Hoàng Quyên đánh giá cao những điểm mới tại Luật Đấu thầu (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua như một số biện pháp tăng cường tính cạnh tranh trong đấu thầu, trong triển khai cũng linh hoạt hơn, có thể được thực hiện đấu thầu trước trong một số trường hợp. Nội dung mới này có thể góp phần gỡ khó cho nhiều dự án ODA cũng như dự án trong nước.
Về các giải pháp căn cơ, WB khuyến nghị tháo gỡ điểm nghẽn trong quy định, cơ chế chính sách đầu tư công. Trong đó, trước hết là cải thiện việc lập kế hoạch và thẩm định dự án, vì dự án có chất lượng đầu vào thấp khi được đưa vào triển khai sẽ dẫn đến điều chỉnh, đội vốn và chậm tiến độ. Các biện pháp cải cách khuyến nghị bao gồm dành thêm thời gian và ngân sách để chuẩn bị báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho dự án và cập nhật kế hoạch đầu tư công trung hạn theo cách cuốn chiếu. Định mức, đơn giá và giá đất cần được cập nhật định kỳ sát với thị trường nhằm bảo đảm dự toán kinh phí sát thực tiễn. Cần đẩy mạnh triển khai, theo dõi và đánh giá dự án, biến chi đầu tư trở thành công trình hạ tầng một cách hiệu quả nhất sau khi nguồn lực được phân bổ. Việc bóc tách khâu giải phóng mặt bằng và tái định cư ra khỏi dự án đầu tư có thể giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai, nhất là đối với các dự án lớn.