Gỡ vướng pháp lý dự án: “Chương mới” cho thị trường bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau thời gian dài rơi vào tình trạng "đóng băng", khan hiếm nguồn cung, thị trường bất động sản (BĐS) xuất hiện những tín hiệu khởi sắc khi có nhiều dự án được tháo gỡ pháp lý. Không ít doanh nghiệp (DN) từng đối mặt với nguy cơ kiệt quệ đã có cơ hội hồi sinh, tiếp tục triển khai dự án.
Kể từ giữa năm 2024, việc gỡ vướng pháp lý tại các dự án trọng điểm của Novaland đạt nhiều kết quả khả quan
Kể từ giữa năm 2024, việc gỡ vướng pháp lý tại các dự án trọng điểm của Novaland đạt nhiều kết quả khả quan

Tái gia nhập thị trường

Nghị quyết số 170/2024/QH15 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án BĐS, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP.HCM, Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa có hiệu lực từ ngày 1/4/2025 đã mở ra một “chương mới” cho thị trường BĐS.

Trong 4 dự án tại TP.HCM được gỡ vướng theo diện này, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland) có 2 dự án. Đó là khu đất 30,2 ha tại phường Bình Khánh (tên thương mại là The Water Bay) và khu đất 30,1 ha Nam Rạch Chiếc (Lakeview City) ở phường An Phú, TP. Thủ Đức. Hai dự án này đã bị đình trệ nhiều năm do vướng mắc định giá đất.

Ngoài 2 dự án trên, kể từ giữa năm 2024, việc gỡ vướng pháp lý tại các dự án trọng điểm của Novaland cũng đạt nhiều kết quả khả quan. Tại Dự án Aqua City (Đồng Nai), trong quý II/2025, Novaland dự kiến sẽ hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/500 và giấy phép bán hàng cho các phân khu phù hợp quy hoạch mới. Tại Dự án NovaWorld Phan Thiet (Bình Thuận), Novaland sẽ hoàn thiện các quyết định đóng tiền sử dụng đất từ tháng 4/2025. Tương tự, Dự án NovaWorld Ho Tram (Bà Rịa - Vũng Tàu) sẽ hoàn tất pháp lý các dự án thành phần như Binh Chau Onsen, Happy Beach Villas, Long Island trong quý II/2025 để tăng tốc hoàn thành xây dựng và đẩy mạnh bàn giao sản phẩm tại 7 phân kỳ.

Một dự án điển hình khác được gỡ vướng pháp lý là Khu nhà ở Tân An Huy tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM do Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh nhà Tân An Huy làm chủ đầu tư. Dự án này có quy mô hơn 20 ha, được phê duyệt lần đầu cuối năm 2005, dự kiến cung cấp chỗ ở cho khoảng 5.500 cư dân với 313 căn biệt thự, nhà vườn và 1.025 căn hộ cao cấp. Tuy nhiên, từ khi khởi công vào năm 2005, Dự án “đứng hình” do gặp vướng mắc về pháp lý, tài chính và hạ tầng, khiến khách hàng điêu đứng. Lãnh đạo mới của công ty này - ông Nguyễn Hồng Hải - Chủ tịch HĐQT cho hay, thời gian qua, UBND TP.HCM đã giao Thanh tra Thành phố chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Dự án. Ngày 6/2/2025, Dự án đã chính thức được tái khởi công xây dựng 70% phần hạ tầng kỹ thuật và các hạng mục còn lại.

Từ cuối năm ngoái đến nay, nhiều dự án bị tắc nghẽn nhiều năm của các chủ đầu tư như Đất Xanh, Hoàng Quân, Phát Đạt, CT Group… đã tái gia nhập thị trường sau khi được tháo gỡ vướng mắc pháp lý. Một trong số đó là Dự án The Prive của Đất Xanh, trước đây có tên là Gem Riverside, đình trệ từ năm 2018. Sau thời gian dài hoàn thiện pháp lý liên quan đến thủ tục đầu tư và tính tiền sử dụng đất, tháng 9/2024, dự án này đã được cấp phép xây dựng và nay chuẩn bị ra mắt. Giới thiệu ra thị trường từ 7 năm trước với giá hơn 30 triệu đồng/m2, hiện The Prive được định vị ở phân khúc cao cấp với giá từ 4.000 - 5.000 USD/m2.

Mong đợi lực đẩy từ chính sách

Mới đây, UBND TP.HCM đã có báo cáo về tình hình tháo gỡ khó khăn cho các dự án BĐS trên địa bàn theo yêu cầu từ Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, có 34/64 dự án đưa ra khỏi diện theo dõi, xử lý, gồm: 13 dự án đã được tháo gỡ vướng mắc hoặc không còn kiến nghị; 6 dự án không phải là dự án BĐS thể dục thể thao, cầu đường, cảng trung chuyển; 15 dự án cần chờ ý kiến kết luận, xử lý của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra; các dự án có nguồn gốc đất công cần rà soát pháp lý.

Trong 30 dự án cần tiếp tục theo dõi, xử lý, 2 dự án có vướng mắc thuộc thẩm quyền của cơ quan Trung ương; 7 dự án có vướng mắc thuộc thẩm quyền của UBND TP.HCM; 9 dự án có vướng mắc thuộc thẩm quyền của sở, ngành, UBND quận, huyện; 12 dự án có vướng mắc thuộc thẩm quyền của UBND TP. Thủ Đức.

Từ cuối năm ngoái đến nay, một số dự án bị tắc nghẽn nhiều năm của các chủ đầu tư như Đất Xanh, Hoàng Quân, Phát Đạt, CT Group… đã tái gia nhập thị trường sau khi được tháo gỡ vướng mắc pháp lý

Sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền thời gian qua đã mang lại những tín hiệu tích cực, tuy nhiên khó khăn vẫn còn nhiều đối với các DN BĐS. Với hàng trăm dự án trên cả nước còn vướng mắc pháp lý, nếu không sớm được tháo gỡ để khởi động lại thì vừa lãng phí nguồn lực đất đai, vừa thất thu ngân sách nhà nước, vừa khó khăn cho DN, vừa thiếu nguồn cung nhà ở nên khó kéo giảm giá nhà trong ngắn hạn.

Ông Dương Văn Bắc - Tổng giám đốc Novaland cho rằng, chỉ khi các vướng mắc pháp lý được giải quyết triệt để, DN BĐS mới có thể phục hồi đúng nghĩa, phát triển mạnh mẽ và đóng góp vào sự bứt phá chung của khu vực kinh tế tư nhân. Việc xử lý tháo gỡ vướng mắc, chuẩn hóa các thủ tục pháp lý và các khâu phê duyệt, đẩy nhanh lộ trình giải quyết pháp lý dự án sẽ là yếu tố giúp giảm giá thành sản phẩm, đồng thời gỡ khó về dòng tiền cho DN, khơi thông các nguồn vốn khác, chống lãng phí tài sản và tài nguyên xã hội.

Một điều quan trọng nữa, theo các chủ đầu tư, để tăng nguồn cung, giảm giá nhà thì khâu định giá đất và tính tiền sử dụng đất cần phải có phương pháp hợp lý hơn. Bởi, trong cơ cấu giá thành BĐS, giá đất chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Việc áp dụng phương pháp thặng dư theo giá thị trường như hiện tại sẽ đẩy chi phí đất dài hạn tăng nhanh, làm tăng chi phí đầu vào, từ đó tăng giá bán. Do đó, cần có chính sách định giá đất hợp lý cho từng khu vực nhằm giúp chủ đầu tư kiểm soát chặt chẽ hơn chi phí đầu vào, từ đó hạn chế chi phí phát sinh, tạo cơ hội tiếp cận BĐS giá hợp lý hơn cho người dân.

Tin cùng chuyên mục