Cụ thể, theo quy định tại Khoản 6 Điều 39 Luật Đầu tư 2014, tiến độ góp vốn là một trong những nội dung quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Theo đó, nhiều ngân hàng đã căn cứ vào tiến độ góp vốn được ghi nhận trên Giấy chứng nhận đầu tư để kiểm tra về thời hạn góp vốn của nhà đầu tư trước khi ghi “có” vào tài khoản vốn. Điều này dẫn đến việc một số ngân hàng còn lúng túng trong việc thực hiện thủ tục góp vốn cho nhà đầu tư sau thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Việc góp vốn đầu tư đã được quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật về đầu tư. Theo đó, Điều 39 Luật Đầu tư 2014 quy định, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm vốn đầu tư của dự án (gồm vốn góp của nhà đầu tư và vốn huy động), tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn; thời hạn hoạt động của dự án; tiến độ thực hiện dự án đầu tư: tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động (nếu có); và tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động, hạng mục chủ yếu của dự án.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, nhà đầu tư có trách nhiệm triển khai thực hiện dự án đầu tư theo đúng nội dung quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, văn bản quyết định chủ trương đầu tư và quy định của pháp luật có liên quan.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhà đầu tư có trách nhiệm triển khai thực hiện dự án đầu tư theo đúng nội dung quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong đó có việc góp vốn theo đúng tiến độ đã đăng ký. Tuy nhiên, Luật Đầu tư 2014 và Nghị định số 118/2015/NĐ-CP không có quy định hạn chế nhà đầu tư góp vốn thực hiện dự án đầu tư sau thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.