Góc nhìn quốc tế về Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Đầu tư lớn và nhiều rủi ro

(BĐT) - Sáng 5/11/2019, tại Hội nghị Trao đổi về kinh nghiệm xây dựng và vận hành đường sắt tốc độ cao, các chuyên gia quốc tế và doanh nghiệp ngành đường sắt Cộng hòa liên bang Đức cho rằng, quyết định đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, dù lựa chọn theo phương án đầu tư nào thì cũng là một quyết sách khó khăn, bởi đây là một khoản đầu tư lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tốc độ vận hành là yếu tố quyết định chi phí kinh doanh và sự thành bại của Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ảnh minh họa: Tuấn Minh
Tốc độ vận hành là yếu tố quyết định chi phí kinh doanh và sự thành bại của Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ảnh minh họa: Tuấn Minh

Chia sẻ thông tin tại Hội nghị, ông Tăng Ngọc Tráng, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mạng lưới đường sắt Việt Nam bao gồm đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và đường sắt chuyên dùng. Đường sắt quốc gia gồm 7 tuyến đi qua địa bàn 34 tỉnh/thành phố, được xây dựng từ lâu, khổ đường đơn với tiêu chuẩn kỹ thuật thấp nên hạn chế tốc độ chạy tàu. Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường kết nối giữa các vùng miền và đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa ngày càng cao, hiện Chính phủ Việt Nam đang nghiên cứu chủ trương đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với tổng chiều dài khoảng 1.559 km, khổ đường 1,435 m. Có 2 phương án đầu tư đang được đưa lên “bàn cân” để xem xét là nên đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao có tốc độ khai thác vận hành trên dưới 200 km/h để vận chuyển chung hành khách và hàng hóa hay đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao có tốc độ khai thác vận hành 300 - 350 km/h chỉ để phục vụ hành khách. Việc lựa chọn phương án nào cũng rất “đau đầu” vì nhu cầu chở khách và chở hàng hóa đều rất “nóng bỏng” hiện nay.

Chuyên gia tư vấn Mc Donald đến từ Công ty TRICON AG (Anh) cho biết, kinh nghiệm xây dựng và vận hành hệ thống đường sắt cao tốc ở Anh và Đức cho thấy, trong điều kiện hạn hẹp về “túi tiền”, Việt Nam nên nâng cấp để tăng tốc độ chạy tàu của hệ thống đường sắt hiện hữu bằng cách giảm bớt đường ngang và các nút giao trên hệ thống đường sắt quốc gia. Việc vận chuyển chung cả hành khách và hàng hóa trên một hệ thống đường sắt là thách thức không nhỏ vì chỉ có 1 đường ray sử dụng chung. Điều này còn liên quan đến yếu tố an toàn, tốc độ chạy tàu khó tăng cao, khi gặp sự cố sẽ phải ngừng trệ việc vận chuyển.

Còn theo ông Gunter Holscher, Giám đốc thị trường khu vực châu Á của Công ty DB Engineering & Consulting GmbH (Đức), đối với đường sắt cao tốc, cấp tốc độ vận hành là yếu tố quyết định chi phí kinh doanh và hiệu quả trong khai thác chạy tàu. Nếu chạy tàu với tốc độ cao, chi phí bảo trì, bảo dưỡng sẽ rất đắt đỏ. Hiện nay, chi phí đầu tư xây dựng đường ray có tốc độ chạy tàu khoảng 300 km/h là vô cùng cao, nên kinh nghiệm thực tiễn của nhiều quốc gia là đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống đường sắt để vận chuyển chung cả hành khách và hàng hóa, giúp giảm giá thành, tiết kiệm chi phí đầu tư. Hơn nữa, khi vận hành tàu chạy với tốc độ cao thì sẽ mất nhiều thời gian để dừng, đỗ tàu vì phải giảm dần tốc độ mới dừng, đỗ được; các điểm dừng, đỗ phải đảm bảo một khoảng cách hợp lý và theo yêu cầu khắt khe để đảm bảo an toàn đối với tốc độ chạy tàu.

Trao đổi với báo chí, giáo sư Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho rằng, tốc độ vận hành chính là tiêu chí trung tâm chi phối và quyết định mọi sự thành bại của Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam, nhu cầu chở hàng hóa còn quan trọng và bức thiết hơn nhu cầu chở hành khách. Vì thế, phương án đầu tư đường sắt tốc độ cao cần cân nhắc tốc độ vừa phải, hợp lý để vận chuyển chung hành khách và hàng hóa. Điều này cũng đảm bảo được yếu tố khả thi về mặt tài chính trong đầu tư Dự án vì tổng mức đầu tư tỷ lệ thuận với tốc độ vận hành.

Hơn nữa, theo giáo sư Khuê, cấp tốc độ vận hành càng lớn thì yêu cầu trang bị kỹ thuật càng cao, người Việt càng khó có khả năng tiếp cận và làm chủ được các trang bị kỹ thuật của Dự án; đồng thời cũng sẽ khó khăn cho việc xã hội hóa khai thác chạy tàu vì chi phí đầu tư lớn.