Trong 10 năm, từ 2014 - 2023, thị trường chứng khoán huy động được 3,8 triệu tỷ đồng, trong đó, khối doanh nghiệp huy động được 1,15 triệu tỷ đồng, Chính phủ huy động được 2,66 triệu tỷ đồng. Ảnh: Quý Bắc |
Khẳng định quyết tâm nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi trong năm 2025, Thủ tướng chỉ đạo nhiều giải pháp, trong đó khuyến khích doanh nghiệp (DN) chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng gắn với niêm yết; thu hút các DN có quy mô lớn, tình hình tài chính, quản trị tốt lên sàn…
Những doanh nghiệp thành danh
Là DN đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên TTCK Việt Nam tháng 7/2000, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ điện lạnh (REE) cho biết, hơn 20 năm qua, REE đã 8 lần phát hành cổ phiếu và huy động được 2.800 tỷ đồng vốn mới trên TTCK để mở rộng đầu tư, phát triển. Bên cạnh vốn vay ngân hàng, nguồn vốn qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu là vô cùng quan trọng, hữu ích với DN, phục vụ cho phát triển trung và dài hạn. Tuy nhiên, để huy động được vốn của nhà đầu tư đại chúng, từ thực tế của REE, bà Mai Thanh chia sẻ, người lãnh đạo phải đặt đúng tầm trách nhiệm trước các vấn đề nhà đầu tư quan tâm. “Chúng tôi hiểu rằng phát hành trái phiếu, cổ phiếu đều đòi hỏi tính minh bạch và các DN phải tự đặt mình trong khuôn khổ pháp lý và trách nhiệm rất cao”, bà nói.
Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết, Ngân hàng niêm yết cổ phiếu năm 2011, từ đó đến nay đã thu hút được nguồn vốn đáng kể để phục vụ cho phát triển và tăng trưởng. Vốn hóa của MB đạt trên 120.000 tỷ đồng và Ngân hàng có 150.000 nhà đầu tư làm cổ đông. “Chúng tôi đã triển khai nhiều phương án phát hành cổ phiếu và chi trả lợi tức hàng năm để bổ sung vốn và tăng quy mô vốn, đặc biệt tăng nguồn vốn kinh doanh cấp 2. Điều này rất quan trọng để các tổ chức tín dụng như MB có thể đáp ứng về nguồn vốn cho tăng trưởng”, ông Thái nói.
Theo Tổng giám đốc Vingroup Nguyễn Việt Quang, huy động vốn thông qua TTCK là phương thức không thể thiếu ở những nước phát triển. Tại Việt Nam, hàng nghìn nhà đầu tư quốc tế đã rót nhiều tỷ USD thông qua kênh đầu tư gián tiếp vào chứng khoán. “Vingroup tham gia TTCK Việt Nam từ rất sớm (lên sàn ngày 19/9/2007 - PV) và sự phát triển của Vingroup luôn có sự đồng hành của các kênh huy động vốn đa dạng, trong đó TTCK đóng vai trò rất lớn”, ông Quang nói.
Hiện nay, Vingroup có 3 doanh nghiệp niêm yết trên TTCK Việt Nam là Vingroup, Công ty CP Vinhomes, Công ty CP Vincom Retail với tổng giá trị vốn hóa thị trường 419.000 tỷ đồng, tương đương hơn 17 tỷ USD. Thông qua việc niêm yết, Vingroup huy động thành công hàng tỷ USD từ nhà đầu tư Việt Nam và quốc tế. Cũng theo ông Quang, TTCK còn mang đến nhiều giá trị lớn khác, đó là buộc DN phải xây dựng một cơ chế quản trị nghiêm túc, rõ ràng, để các hoạt động được kiểm soát chặt chẽ và công khai. Những DN tốt được nhân lên giá trị khi hình ảnh, thương hiệu liên tục được truyền thông, được hàng triệu nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm.
Với tư cách một công ty niêm yết, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã “cảm ơn TTCK” vì nhờ niêm yết, FPT mới dễ làm việc với các tập đoàn lớn trên thế giới. Năm 2023, FPT ghi dấu mốc doanh thu 1 tỷ USD doanh thu từ thị trường nước ngoài, hiện đang hướng tới mục tiêu xây dựng công ty đẳng cấp thế giới. “FPT hứa sẽ đem nỗ lực của mình cũng như công nghệ tốt nhất để phục vụ sự phát triển của TTCK, phát triển nền kinh tế và phục vụ các DN nói chung”, ông Bình nói.
Nhiều doanh nghiệp như MB, REE, Vingroup, FPT… đã chọn niêm yết sớm, huy động được vốn mới qua thị trường chứng khoán để tăng năng lực tài chính, phát triển hoạt động kinh doanh. Ảnh: Quý Bắc |
Gọi doanh nghiệp tốt lên sàn
REE, MB, Vingroup, FPT là 4 trong số 45 doanh nghiệp có vốn hóa tỷ USD trên TTCK hiện nay, đã chọn niêm yết sớm, huy động được vốn mới và gặt hái nhiều thành công. Tuy nhiên, TTCK có 800 DN niêm yết và trên 700 công ty đại chúng, nhưng hàng trăm DN trong số này không huy động được vốn mới, không gia tăng được giá trị khi lên sàn. Làm thế nào để những giá trị cốt lõi của TTCK lan tỏa đến nhiều DN, giúp DN có lợi ích cộng hưởng không chỉ với cổ đông, với nhà đầu tư mà cả nền kinh tế?
Trong góc nhìn của Chủ tịch REE, DN niêm yết là cái gốc tạo "hàng hóa" cho TTCK. Hàng hóa phải tốt và không được có hàng giả. Nhà đầu tư luôn mong mỏi DN niêm yết có mức tăng trưởng tốt và họ sẵn sàng bỏ vốn thêm cho mục tiêu này. Theo đó, trách nhiệm trước hết thuộc về DN. Về phía Nhà nước, theo bà Mai Thanh, Chính phủ cần tiếp tục kiến tạo một môi trường kinh doanh cởi mở, minh bạch với tất cả các DN, xóa bỏ cơ chế xin - cho. Đặc biệt, cần công bằng hơn trong khai thuế và nộp thuế. Một kiến nghị khác là Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục nỗ lực đưa lãi suất về một mặt bằng hợp lý để DN có thể sử dụng một phần của vốn ngân hàng bên cạnh vốn trái phiếu và cổ phiếu, nhằm phát triển, đóng góp vào nền kinh tế.
Chủ tịch MB thì cho rằng, yếu tố tiên quyết để TTCK phát triển và tăng khả năng tiếp cận vốn cho DN là kinh tế vĩ mô ổn định. Đây là điều Việt Nam đã làm được trong năm 2023 khi Chính phủ điều hành linh hoạt, hiệu quả, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, tăng trưởng GDP về đích cao hơn so với tình hình chung của thế giới. Để TTCK tiếp tục phát triển, bên cạnh yếu tố vĩ mô, ông Lưu Trung Thái cho rằng, cần tăng số lượng cũng như chất lượng các DN niêm yết. Khi thị trường tốt, hàng hóa tốt và giá trị cao, nhà đầu tư nước ngoài sẽ đến tìm kiếm lợi nhuận, tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam.
Cụ thể hơn, Chủ tịch MB cho rằng, cần tăng khả năng tiếp cận vốn cho các DN tốt trên thị trường bằng cách phân loại và xếp hạng độc lập các DN niêm yết, thúc đẩy các DN tuân thủ chuẩn mực và thông lệ quốc tế trong quản trị công ty. Ông Thái kiến nghị tiến tới nâng hạng TTCK Việt Nam, nhất là việc kiện toàn Trung tâm Thanh toán bù trừ chứng khoán (CCP) - điểm mấu chốt mà cả 2 tổ chức xem xét nâng hạng quốc tế là FTSE và MSCI đều đề xuất xử lý. Cần nâng cấp hệ thống công nghệ và dữ liệu để tăng khả năng số hóa, từ đó xử lý thời gian phát hành, thời gian đầu tư tiết kiệm thời gian hơn…
Trong 10 năm qua (2014 - 2023), TTCK huy động được 3,8 triệu tỷ đồng vốn trung và dài hạn, trong đó, khối DN huy động được 1,15 triệu tỷ đồng, Chính phủ huy động được 2,66 triệu tỷ đồng. TTCK góp phần tái cơ cấu, tăng tính bền vững cho danh mục nợ công quốc gia và chủ động nguồn vốn cho đầu tư công.
Chia sẻ với các thành viên thị trường, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, TTCK đã góp phần thúc đẩy và tạo sức dẫn dắt quan trọng cho các DN, tổ chức kinh tế của Việt Nam áp dụng các chuẩn mực tài chính quốc tế. Trong 2 năm vừa qua, các chủ thể đã cùng nhau chia sẻ, vượt qua khó khăn. Nhờ đó, nếu năm 2022 là năm thăng trầm của thị trường thì năm 2023 đã khắc phục nhiều khó khăn, cải thiện tình hình, tập trung làm những việc phải làm và có tiến bộ hơn; năm 2024 phải tăng tốc và năm 2025 phải bứt phá. Điều này cần cùng phát huy trách nhiệm của Chính phủ, các bộ ngành, các nhà đầu tư, các nhà phát hành và của các chủ thể liên quan.
Khẳng định quyết tâm nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi trong năm 2025, Thủ tướng chỉ đạo nhiều giải pháp, trong đó khuyến khích các DN chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK; thu hút các DN quy mô lớn, tình hình tài chính, quản trị công ty tốt lên sàn và thúc đẩy việc hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa.