Gói thầu gần 1 nghìn tỷ xây Trường Đại học Dược Hà Nội: 5 nhà thầu Hàn Quốc bị loại

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trường Đại học Dược Hà Nội vừa có quyết định hủy Gói thầu XL-TB.2019 Thi công xây dựng và cung cấp, lắp đặt trang thiết bị công trình thuộc Dự án Xây dựng Trường Đại học Dược Hà Nội thành Trường Đại học chuyên ngành trọng điểm quốc gia ngang tầm khu vực vào năm 2020.
Gói thầu XL-TB.2019 do Trường Đại học Dược Hà Nội làm chủ đầu
tư, trực tiếp mời thầu, được đấu thầu rộng rãi quốc tế giữa các nhà thầu Hàn Quốc.
Ảnh: Huấn Anh
Gói thầu XL-TB.2019 do Trường Đại học Dược Hà Nội làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu, được đấu thầu rộng rãi quốc tế giữa các nhà thầu Hàn Quốc. Ảnh: Huấn Anh

Gói thầu XL-TB.2019 được đấu thầu rộng rãi quốc tế giữa các nhà thầu Hàn Quốc theo phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ, do Trường Đại học Dược Hà Nội làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu. Gói thầu có giá 961,692 tỷ đồng; ban đầu dự kiến đóng thầu vào ngày 3/2/2020 nhưng sau đó được gia hạn đến ngày 10/2/2020. Thời gian thực hiện hợp đồng theo thông báo mời thầu là 36 tháng.

Có 5 nhà thầu Hàn Quốc tham dự thầu, trong đó có 1 nhà thầu độc lập và 4 nhà thầu liên danh. Đó là: Liên danh Hanshin - Bomi - DSGN Joint Venture, Liên danh Youngjin - Kyeryong Hanwha Consortium, Liên danh HDC - SeAH JV, Liên danh Daewoo - Choongwae Consortium và Nhà thầu CJ Logistics Corporation.

Sau hơn 5 tháng kể từ ngày đóng/mở thầu, Trường Đại học Dược Hà Nội đã có Quyết định số 551/QĐ-DHN hủy thầu với lý do không có nhà thầu nào đáp ứng yêu cầu của HSMT. Cụ thể, Nhà thầu CJ Logistics Corporation bị loại vì nhà thầu phụ cho phần công nghệ thông tin không đáp ứng, nhân sự chủ chốt và máy móc thi công không đáp ứng. Liên danh Daewoo - Choongwae Consortium bị loại vì nhân sự chủ chốt không đáp ứng. Liên danh Hanshin - Bomi - DSGN Joint Venture và Liên danh Youngjin - Kyeryong Hanwha Consortium đều bị loại vì nhà thầu phụ cho phần công nghệ thông tin và nhân sự chủ chốt không đáp ứng. Liên danh HDC - SeAH JV bị loại vì bảo đảm dự thầu không đáp ứng với yêu cầu chỉ dẫn nhà thầu của HSMT, nhà thầu phụ cho phần công nghệ thông tin và nhân sự chủ chốt không đáp ứng.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, đơn vị tư vấn lựa chọn nhà thầu là Liên danh Gachon University - Sunjin E&A - Yeungnam University; đơn vị thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu là Công ty CP Tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng Coninco.

Trước khi Trường Đại học Dược Hà Nội có quyết định hủy thầu, nhà thầu đã phản ánh tới Báo Đấu thầu về tiến độ đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) chậm. Thời gian đánh giá HSDT kéo dài hơn so với quy định (tối đa 60 ngày đối với đấu thầu quốc tế và gia hạn thêm 20 ngày theo quy định) khiến nhà thầu phải chờ đợi lâu, vì thế nguồn vốn, nhân lực, vật lực của nhà thầu dự kiến tham gia thực hiện Gói thầu bị “giam giữ”. Do trong Hiệp định vay vốn của nhà tài trợ (Ngân hàng Kexim Bank Hàn Quốc) không quy định về thời gian đánh giá HSDT thế nào nên thời gian đánh giá HSDT Gói thầu XL-TB.2019 được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Nhà thầu cho rằng, theo quy định tại Điều 16 Nghị định 63/2014/NĐ-CP, trong quá trình đánh giá tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm, nhà thầu được phép bổ sung tài liệu để giải thích, làm rõ HSDT theo yêu cầu của bên mời thầu hoặc tự bổ sung làm rõ để phục vụ quá trình đánh giá HSDT. Tuy nhiên, khi nhà thầu có văn bản gửi đến Trường Đại học Dược Hà Nội đề nghị được bổ sung làm rõ HSDT nhưng không được Nhà trường chấp nhận.

Ngày 29/7/2020, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, cán bộ đấu thầu của Trường Đại học Dược Hà Nội cho biết, đây là gói thầu hỗn hợp, quy mô lớn và sử dụng vốn vay ODA của Hàn Quốc nên quá trình đánh giá HSDT, thẩm định kết quả đánh giá HSDT, phải báo cáo các đơn vị liên quan và nhà tài trợ rồi chờ phản hồi (thư không phản đối) mất nhiều thời gian. Việc hủy thầu là “bất đắc dĩ” vì cả 5 nhà thầu tham dự thầu đều không đáp ứng yêu cầu của HSMT. Hiện nay, Trường Đại học Dược Hà Nội đang trình Bộ Y tế phê duyệt lại kế hoạch lựa chọn nhà thầu và dự kiến mời thầu lại trong quý IV/2020.

Tin cùng chuyên mục