Nhà thầu đã nộp văn bản xác nhận của cơ quan thuế là không nợ thuế mà vẫn bị loại với lý do chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước
Phía sau động thái “vội vàng” mở HSĐXTC, chọn nhà thầu trúng thầu gói thầu quy mô rất lớn của Bên mời thầu là gì trong khi quyền làm rõ HSDT đã bị tước bỏ?
Không cho nhà thầu làm rõ trước khi mở Hồ sơ đề xuất tài chính
Sau khi nhận được thông báo kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật (HSĐXKT) Gói thầu số 12 Xây lắp công trình giai đoạn 1 thuộc Dự án Đường tỉnh 208 của Bên mời thầu, cả 4 nhà thầu bị loại đều phản ứng dữ dội, bao gồm: Liên danh Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường – Công ty CP Đầu tư thương mại và xây dựng giao thông 1; Tổng công ty 36 - CTCP; Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn; Liên danh Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Miền Trung - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 – CTCP (Cienco1). Các nhà thầu bị loại đều cho rằng, việc loại nhà thầu của Bên mời thầu là thiếu thuyết phục, thiếu minh bạch. Nhiều nhà thầu bị loại với lý do chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước là không xác đáng vì trong HSDT, các nhà thầu đã nộp văn bản xác nhận của cơ quan thuế là không nợ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và thuế môn bài theo kê khai, theo các khoản thuế được thông báo phải nộp.
Trong văn bản gửi Báo Đấu thầu ngày 5/1/2018, Ban QLDA các công trình giao thông tỉnh Cao Bằng cho rằng, tiêu chí đánh giá nhà thầu phải hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước đến thời điểm ngày 31/10/2017 là một điều kiện ràng buộc và bất kỳ nhà thầu nào không hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước đều không được Bên mời thầu chấp nhận.
Trước giờ mở HSĐXTC (15h ngày 29/12/2017), cả 4 nhà thầu lớn bị loại đều không nhận được bất kỳ thông tin gì (bằng đường bưu điện, fax, email) về việc mình bị loại và việc mở HSĐXTC. Chính việc Bên mời thầu chọn thời điểm “hiểm” để mở HSĐXTC – sau đó là kỳ nghỉ Tết Dương lịch năm 2018 đã khiến các nhà thầu bị loại không kịp phản ứng và đặt các nhà thầu vào tình thế “đã rồi”.
Ngày 10/1/2018, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã có văn bản gửi Ban QLDA các công trình giao thông tỉnh Cao Bằng, trong đó khẳng định, tính đến hết ngày 31/10/2017, Cienco1 không nợ thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp. Số tiền chậm nộp gần 66 triệu đồng phát sinh kỳ tháng 10/2017 đã được đơn vị này nộp ngày 9/11/2017, trước cả thời điểm cơ quan thuế thông báo tiền thuế nợ (ngày 12/11/2017).
Vội vàng chọn nhà thầu trúng thầu?
Bình luận về trường hợp lựa chọn nhà thầu tại gói thầu này, một số chuyên gia về đấu thầu, đầu tư cho rằng, việc không cho các nhà thầu cơ hội được làm rõ HSDT, một quyền chính đáng của nhà thầu, được pháp luật về đấu thầu tôn trọng và bảo vệ đã cho thấy sự thiếu thiện chí, thiếu khách quan và công tâm của Bên mời thầu trong quá trình lựa chọn nhà thầu cho một gói thầu giao thông quy mô rất lớn.
TS. Nguyễn Việt Hùng – chuyên gia lâu năm về đấu thầu phân tích, đấu thầu là để chọn ra nhà thầu tốt nhất thực hiện gói thầu chứ không phải là tìm cách loại bỏ nhà thầu. Trong trường hợp này, Bên mời thầu đã không đúng, không làm hết trách nhiệm của mình khi “tước đoạt” quyền làm rõ HSDT của các nhà thầu bị loại, dẫn đến có thể làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu. Từ ngày 1/1/2018, nhiều vi phạm trong đấu thầu sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự. Vì thế, các nhà thầu bị loại nếu kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền mà vẫn không được giải quyết thỏa đáng thì có thể khởi kiện ra Tòa án để đảm bảo quyền lợi của mình. Bất kể cơ quan nào làm sai, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà thầu sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi thường thiệt hại cho nhà thầu.