Gói thầu giao thông tại Gia Viễn (Ninh Bình): HSMT một đằng, chấm thầu một nẻo?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Báo Đấu thầu vừa tiếp nhận đơn kiến nghị của Công ty CP Việt Phương (địa chỉ tại Thanh Hóa) về kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 02 Thi công xây dựng thuộc Dự án Sửa chữa, cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật tuyến đường giao thông thuộc xã Gia Phong, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Bị loại tại gói thầu này, Nhà thầu “ấm ức” bởi cho rằng, hồ sơ mời thầu (HSMT) quy định một đằng, Tổ chuyên gia chấm thầu... một nẻo.
Nhà thầu đề xuất sử dụng vật liệu xi măng, đá, cát áp dụng các tiêu chuẩn theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu nhưng Tổ chuyên gia kết luận không đạt. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Nhà thầu đề xuất sử dụng vật liệu xi măng, đá, cát áp dụng các tiêu chuẩn theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu nhưng Tổ chuyên gia kết luận không đạt. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Gói thầu nêu trên có giá dự toán 12,312 tỷ đồng, phát hành HSMT qua mạng từ ngày 4 - 15/10/2022, do UBND xã Gia Phong làm chủ đầu tư. Theo quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu ngày 26/10, Công ty TNHH Xuân Triều trúng thầu với giá 12,3 tỷ đồng, giảm 12 triệu đồng sau đấu thầu. Thời hạn thực hiện hợp đồng 14 tháng, loại hợp đồng trọn gói.

Theo Báo cáo đánh giá của Tổ chuyên gia (Công ty TNHH Phát triển xây dựng và Thương mại Hưng Thành), Nhà thầu Việt Phương bị loại tại bước đánh giá kỹ thuật do đề xuất biện pháp tổ chức thi công không đáp ứng yêu cầu của HSMT. Cụ thể, trong thuyết minh biện pháp kỹ thuật thi công, Nhà thầu đề xuất sử dụng vật liệu xây dựng áp dụng tiêu chuẩn đã hết hạn, đề xuất vật liệu xây dựng có một số chỉ tiêu không đạt so với tiêu chuẩn chất lượng hiện hành.

Không đồng tình với đánh giá nêu trên, ngày 1/11/2022, Nhà thầu Việt Phương đã có đơn kiến nghị gửi Chủ đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Bình, UBND huyện Gia Viễn đề nghị xem xét, giải quyết theo quy định.

Theo nội dung kiến nghị, tại hồ sơ dự thầu (HSDT), Nhà thầu đã đề xuất sử dụng vật liệu xi măng áp dụng các tiêu chuẩn TCVN 6282:2009; TCVN 6260:2009 theo đúng quy định của HSMT. Tuy nhiên, khi đánh giá, Tổ chuyên gia lại kết luận không đạt do hai tiêu chuẩn này đã hết hạn, hiện đang áp dụng TCVN 2682:2020.

Đối với đá xây dựng, theo yêu cầu của HSMT, Nhà thầu đề xuất áp dụng TCVN 7570:2006. Tuy nhiên, Tổ chuyên gia đánh giá không đáp ứng do đây là tiêu chuẩn lỗi thời, không đạt so với tiêu chuẩn hiện hành. Tương tự, đối với cát xây trát, HSMT quy định áp dụng TCVN 7570:2006; TCXD 127:1985, tuy nhiên, khi đánh giá, Tổ chuyên gia lại kết luận các tiêu chuẩn này không đạt do đã hết hạn và được thay thế bởi TCVN 10796:2016.

“Khi tham dự thầu, Nhà thầu đã nghiên cứu và tuân thủ đúng yêu cầu của HSMT. Việc Nhà thầu áp dụng đúng các tiêu chuẩn theo yêu cầu của HSMT mà vẫn bị đánh giá không đạt do hết hiệu lực thì trách nhiệm phải thuộc về tư vấn lập HSMT, thẩm định HSMT và đơn vị ra quyết định phê duyệt HSMT, chứ không phải của Nhà thầu”, Nhà thầu Việt Phương nhấn mạnh.

Cũng theo Nhà thầu, Mục 3 - Tiêu chuẩn đánh giá kỹ thuật thuộc HSMT quy định, đối với các vật tư, vật liệu chính (xi măng, cốt thép, cát, đá, gạch các loại, cấp phối đá dăm…), nhà thầu được đánh giá là đạt khi có cam kết hoặc hợp đồng nguyên tắc với đơn vị cung ứng. Đối chiếu với HSDT đã nộp, Nhà thầu phải được đánh giá là đáp ứng khi có đề xuất hợp đồng nguyên tắc. Các tiêu chuẩn trên chỉ là bước đề xuất kỹ thuật để Bên mời thầu tham khảo và quyết định có áp dụng hay không, không phải tiêu chí đánh giá đạt/không đạt. Trong trường hợp các tiêu chuẩn này đã quá hạn, Nhà thầu có thể làm rõ hoặc khi thương thảo hợp đồng, Nhà thầu đề xuất cam kết áp dụng TCVN mới. Do đó, việc Tổ chuyên gia loại Nhà thầu bởi lý do này là không thỏa đáng.

Để có thông tin đa chiều, phóng viên đã nhiều lần liên hệ với Bên mời thầu về kiến nghị nêu trên, song đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức.

Theo một chuyên gia đấu thầu, với quy định “mở” tại Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT, nhà thầu hoàn toàn có quyền bổ sung, làm rõ đối với các thông tin đã kê khai tại HSDT, ngay cả khi đề xuất thiếu tài liệu về hợp đồng nguyên tắc cung ứng nguyên, vật liệu. Các hợp đồng nguyên tắc này chỉ là tiền đề để đánh giá năng lực kỹ thuật. Do đó, trường hợp nhận thấy các nội dung trong hợp đồng nguyên tắc chưa bảo đảm, Tổ chuyên gia phải yêu cầu nhà thầu làm rõ, không được loại bỏ ngay HSDT.

TS. Nguyễn Việt Hùng, chuyên gia về đấu thầu đánh giá, những điểm mới tại Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT sẽ hạn chế được tình trạng bỏ lọt nhà thầu có năng lực, do đó, khuyến khích các chủ đầu tư, bên mời thầu tuân thủ và áp dụng. “Việc đánh giá HSDT phải căn cứ vào HSMT, các tài liệu giải thích, làm rõ HSDT của nhà thầu để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm, có giải pháp khả thi để thực hiện gói thầu”, ông Hùng phân tích thêm.

Tin cùng chuyên mục