HSMT yêu cầu có 5 hợp đồng tương tự, tổng giá trị các hợp đồng từ 25 tỷ đồng, tổng số trạm truyền thanh không dây và tổng số cột anten lần lượt từ 80 trạm và 40 cột trở lên. Ảnh: Quang Tuấn |
Nhà thầu: HSMT yêu cầu cao gấp 4 lần nhu cầu thực tế
Tại Gói thầu Xây lắp, thiết bị thuộc Dự án Mua sắm, lắp đặt trang thiết bị, cột phát sóng cho hệ thống Đài truyền thanh cơ sở năm 2018 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk mời thầu, thông tin của Công ty TNHH MTV GBE gửi tới Báo Đấu thầu phản ánh, những yêu cầu về hợp đồng tương tự (HĐTT) trong HSMT đã hạn chế các NT tham gia. Đơn cử, HSMT yêu cầu phải có 5 HĐTT (quy mô bằng 70% giá trị Gói thầu), tổng giá trị các hợp đồng từ 25 tỷ đồng, tổng số trạm truyền thanh không dây và tổng số cột anten lần lượt từ 80 trạm và 40 cột trở lên là quá cao, trong khi giá gói thầu chỉ là 7,138 tỷ đồng và tổng số trạm truyền thanh không dây phải thực hiện là 20 trạm...
Bên cạnh đó, NT cho rằng, HSMT yêu cầu phải có “giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa do Cục Sở hữu trí tuệ cấp đối với thiết bị chính của Gói thầu; giấy chứng nhận quyền sở hữu mã vạch do Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp” là hạn chế sự tham gia của hàng hóa trong nước, trong khi không có quy định này đối với sản phẩm sản xuất ở nước ngoài.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Lê Văn Hiệp - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV GBE cho biết, NT đã 2 lần gửi văn bản tới BMT đề nghị làm rõ HSMT và đã nhận được 2 văn bản phản hồi cùng một nội dung. NT không đồng tình với phản hồi của BMT nên tiếp tục gửi văn bản tới UBND tỉnh Đắk Lắk và Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Tỉnh, nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi từ hai cơ quan này.
Bên mời thầu: “Yêu cầu như vậy là cần thiết”
Khẳng định BMT không hạn chế sự tham gia của các NT, vị cán bộ này viện dẫn, trong quá trình tổ chức lựa chọn NT, có 7 NT đến mua HSMT. Trong số đó có 3 NT ở Đắk Lắk, 3 NT ở Hà Nội và 1 NT ở TP.HCM. Đến thời điểm đóng thầu, có 3 NT nộp HSDT, gồm: Công ty TNHH Truyền thông Alpha, Công ty CP Thương mại Dịch vụ viễn thông Việt Vương và Công ty TNHH MTV GBE.
Đặc biệt, BMT nhấn mạnh: “Việc nối các đốt cột dây co là phức tạp và ít được thực hiện hơn so với việc xây dựng cột mới hoàn toàn. HSMT yêu cầu kinh nghiệm đã thực hiện xây lắp cột anten mới là đã tạo điều kiện cho nhiều NT có thể tham gia”. Thậm chí, theo BMT, yêu cầu 5 HĐTT là còn ít so với thực tế phải là 6 HĐTT.
Thế nhưng, quan điểm này bị NT GBE phản bác. Ông Hiệp cho rằng, việc nối các đốt cột dây co ít được thực hiện là không đúng, bởi thực tế việc sửa chữa còn thực hiện nhiều hơn so với xây mới. Theo quy định của Bộ Xây dựng, việc bảo trì, bảo dưỡng các trạm phát sóng, cột anten phải được thực hiện định kỳ 24 - 30 tháng/lần.
Bình luận về yêu cầu trên của HSMT, một chuyên gia đấu thầu cho rằng, việc đưa ra số lượng và giá trị HĐTT là tùy thuộc vào tính chất đặc thù của mỗi gói thầu, và chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Tuy nhiên, ở trường hợp này là gói thầu mang tính chất hỗn hợp, vừa xây lắp, vừa mua sắm hàng hóa, do đó chỉ cần yêu cầu nhà thầu có từ 1 - 3 hợp đồng có tính chất tương tự để chứng minh năng lực, kinh nghiệm. Việc yêu cầu NT phải từng thực hiện từ 80 trạm truyền thanh không dây và 40 cột anten trở lên, cao hơn gói thầu đang xét là bất hợp lý, cần xem xét lại.
Về kiến nghị của NT, ông Đinh Xuân Hà, Giám đốc Sở KH&ĐT Đắk Lắk cho biết, NT GBE có văn bản gần nhất đến Sở KH&ĐT là ngày 12/11/2018 và Sở đã đề nghị BMT có văn bản trả lời NT. BMT đã có văn bản trả lời ngày 28/11/2018. Sau ngày 28/11/2018, Sở không nhận được kiến nghị nào từ NT GBE.
Sáng 7/12/2018, BMT đã công bố kết quả lựa chọn NT của Gói thầu. Và theo NT GBE, đến ngày 17/12, NT chưa nhận được biên bản mở thầu cũng như thông báo kết quả lựa chọn NT từ phía BMT.