Ảnh Internet |
Các nhà kinh tế của Goldman Sachs cho rằng, Trung Quốc có thể sẽ có thêm nhiều đợt phong tỏa, và điều này tương đương với việc cắt giảm sản lượng sâu của OPEC+ là 2 triệu thùng/ngày.
Bắc Kinh đã thắt chặt các biện pháp phòng chống Covid-19 trong ba ngày qua khi số ca nhiễm tại địa phương tăng lên vài trăm ca mỗi ngày. Theo các nhà kinh tế, khả năng có nhiều đợt phong tỏa hơn ở Trung Quốc sẽ làm giảm nhu cầu dầu của nước này hơn nữa.
"Số ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc đang ở mức cao nhất kể từ ngày 22/4. Do đó, chúng tôi đã hạ kỳ vọng về nhu cầu dầu của Trung Quốc trong quý IV/2022 xuống còn 14 triệu thùng/ngày và dự báo sẽ cho thêm nhiều đợt phong toả kể từ thời điểm này", các nhà kinh tế tại Goldman Sachs nhận định và cho biết, nhu cầu dầu thô hiện tại của Trung Quốc thấp hơn so với ước tính của tập đoàn này trong tháng 10 và tháng 11 là 800.000 thùng/ngày.
Nhà đầu tư "thất vọng"
Giá dầu đã biến động mạnh trong những tháng gần đây, từng tăng lên hơn 120 USD/thùng vào đầu tháng 6 và sau đó giảm xuống khoảng 90 USD/thùng sau triển vọng ảm đạm của kinh tế toàn cầu.
Cả dầu thô Brent và dầu WTI giao kỳ hạn đều dao động quanh mức thấp nhất trong hai tháng qua. Trong đó, dầu thô Brent trượt giá hơn 1 USD, tương đương 0,9%, xuống còn 86,83 USD/thùng, còn dầu mỏ WTI của Mỹ rớt giá 1,09% xuống 79,21 USD/thùng.
Nguyên nhân khác khiến Goldman Sachs hạ dự báo giá dầu là khối lượng sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ của Nga tăng cao hơn dự đoán, chỉ hai tuần trước khi lệnh cấm vận của EU có hiệu lực vào đầu tháng 12 tới.
"Các nhà đầu tư đã tỏ ra thất vọng bởi sản lượng và xuất khẩu dầu mỏ của Nga đều cao hơn dự kiến, dù chỉ còn hai tuần nữa là lệnh cấm vận của EU có hiệu lực đối với dầu thô, cùng với mức giá trần được các nước G7 dự kiến công bố thông tin chi tiết vào tuần tới", Goldman Sachs lưu ý.