Góp ý Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023: Tiêu chí ưu đãi cần cụ thể, dễ thực hiện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành. Một trong những điểm đáng chú ý là Dự thảo Nghị định bổ sung nhiều quy định về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh...
Hàng hóa có xuất xứ Việt Nam được hưởng ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu. Ảnh: Tiên Giang
Hàng hóa có xuất xứ Việt Nam được hưởng ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu. Ảnh: Tiên Giang

Dự thảo Nghị định quy định nhiều ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu (so với quy định hiện hành), gồm: ưu đãi đối với hàng hóa có xuất xứ Việt Nam; ưu đãi đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; ưu đãi đối với nhà sản xuất trong nước được chuyển giao công nghệ để sản xuất hàng hóa có xuất xứ Việt Nam; ưu đãi đối với nhà sản xuất hàng hóa có xuất xứ Việt Nam trên cơ sở sáng chế hoặc kết hợp một phần chuyển giao công nghệ; ưu đãi đối với đấu thầu trong nước; ưu đãi đối với sản phẩm, dịch vụ được dán nhãn sinh thái, nhãn xanh, nhãn năng lượng và tương đương.

Cụ thể, hàng hóa có xuất xứ Việt Nam được chia làm 2 mức ưu đãi: hàng hóa có chi phí sản xuất trong nước dưới 50% và hàng hóa có chi phí sản xuất trong nước trên 50%. Theo đại diện Ban soạn thảo, mục đích đưa ra 2 mức ưu đãi trên là để khuyến khích sản xuất hàng hóa trong nước ở mức tối đa.

Người có thẩm quyền quyết định việc gói thầu có giá gói thầu dưới 500 triệu đồng đối với dự toán mua sắm chỉ cho phép nhà thầu có từ 50% lao động có hợp đồng lao động tối thiểu 3 tháng trở lên là người khuyết tật, thương binh, dân tộc thiểu số được tham dự thầu.

Sản phẩm, dịch vụ được dán nhãn sinh thái, nhãn xanh, nhãn năng lượng và tương đương được cộng điểm trong đánh giá về kỹ thuật và ưu đãi về tài chính trong các giai đoạn mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu. Các tiêu chí mua sắm xanh được đưa vào yêu cầu kỹ thuật, tiêu chí điểm tổng hợp, giá đánh giá… Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục các nhóm hàng hóa, dịch vụ phải mua sắm xanh theo thực tế.

Tại cuộc họp được tổ chức ngày 7/9 tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Bắc Thủy - Trưởng phòng Kinh tế đầu tư và Hợp đồng xây dựng thuộc Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, Dự thảo Nghị định nên cụ thể hóa các ưu đãi đối với nhà thầu, làm rõ các nội hàm, thủ tục hành chính cần thiết để nhà thầu thuộc đối tượng ưu đãi dễ thực hiện trong quá trình tham gia đấu thầu.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế thuộc Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, để ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu không “nằm trên giấy” thì ngay ở Dự thảo Nghị định phải có các quy định cụ thể, khả thi trong thực hiện, đối tượng thuộc diện ưu đãi biết phải làm gì để được hưởng các ưu đãi này khi tham gia đấu thầu.

Theo đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Dự thảo Nghị định, cần phải lượng hóa các tiêu chí cụ thể để làm rõ nội hàm các khái niệm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, các sáng chế hoặc kết hợp một phần chuyển giao công nghệ, nhãn sinh thái, nhãn xanh, nhãn năng lượng và tương đương… Việc làm rõ tiêu chí, nội hàm của các đối tượng thuộc phạm vi ưu đãi sẽ giúp chủ đầu tư hiện thực hóa các quy định về ưu đãi trong quá trình xây dựng hồ sơ mời thầu, các tiêu chí đánh giá và giá trị quy đổi của ưu đãi sẽ rõ ràng hơn, nhà thầu/doanh nghiệp/đối tượng hưởng ưu đãi cũng chủ động hơn và biết rõ những quyền lợi mà mình được hưởng khi tham gia đấu thầu.

Bà Phạm Thị Thúy Hà - Trưởng ban Quản lý đấu thầu thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam nêu quan điểm, để thuận tiện trong việc tính ưu đãi khi tổ chức lựa chọn nhà thầu, chỉ nên quy định 1 mức ưu đãi là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam. Trách nhiệm của nhà thầu là phải có giấy tờ chứng minh hàng hóa dự thầu có xuất xứ Việt Nam. Bên mời thầu căn cứ vào tài liệu nhà thầu cung cấp để đánh giá mức độ được hưởng ưu đãi của nhà thầu.

Theo bà Hà, trên thực tế, việc quy định cách tính ưu đãi đối với hàng hóa có xuất xứ Việt Nam theo tỷ lệ % chi phí sản xuất trong nước rất khó thực hiện và bóc tách, khó chứng minh và cũng khó kiểm chứng. Do đó, sẽ không thuận lợi và khả thi để thực hiện quy định này thông qua các tiêu chí mời thầu. Trường hợp cần thiết phải quy định tỷ lệ chi phí sản xuất trong nước để được hưởng ưu đãi thì các ngành, các lĩnh vực riêng, đặc thù sẽ có quy định cụ thể tùy vào tình hình thực tế của ngành, nghề đó.

Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Trần Hào Hùng cho biết, Ban soạn thảo, Tổ biên tập mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, địa phương, cá nhân, tổ chức quan tâm để nghiên cứu, sớm hoàn thiện Dự thảo Nghị định trình Chính phủ ban hành, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn khi Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 có hiệu lực thi hành.

Tin cùng chuyên mục