GS.TS. Hoàng Văn Cường: Gỡ “nghịch lý phát triển DN”, cần quyết tâm hành động đồng chiều

(BĐT) - Doanh nghiệp (DN) chính là nguồn sức mạnh nội sinh quan trọng của nền kinh tế, nhưng khu vực DN đang tồn tại những “nghịch lý phát triển”. Để xoay chuyển những nghịch lý này, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, cần sự quyết tâm đồng chiều và hành động đồng bộ mới thực sự đem lại hiệu quả.
Tính liên kết của doanh nghiệp tư nhân rất yếu, thiếu doanh nghiệp lớn dẫn dắt. Ảnh: Nhã Chi
Tính liên kết của doanh nghiệp tư nhân rất yếu, thiếu doanh nghiệp lớn dẫn dắt. Ảnh: Nhã Chi

Thiếu “sếu đầu đàn” dẫn dắt doanh nghiệp phát triển

DN tư nhân trong nước có năng lực chống chịu và sinh tồn phi thường, nhưng đa số có quy mô nhỏ, “chậm lớn”, “khó lớn”. Theo ông, đâu là căn nguyên?

Trong kinh doanh, DN nào cũng muốn phát triển lớn mạnh, có sự bứt phá, ăn nên làm ra để xây dựng cơ nghiệp làm giàu cho chính mình và cho đất nước. Tuy nhiên, thực tế do điều kiện hoàn cảnh nên có tình trạng DN “chưa lớn”, “khó lớn”.

GS.TS. Hoàng Văn Cường

GS.TS. Hoàng Văn Cường

Trước hết, đó là vì phần lớn DN của nước ta (trên 95%) là DN nhỏ và vừa (DNNVV), trong đó chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ. Đặc tính của các DN này là rất linh hoạt, thay đổi nhanh vì không cồng kềnh về bộ máy nhân sự cũng như công nghệ, thiết bị... Tính bền vững cũng theo kiểu linh hoạt nên khi gặp khó khăn, DN chuyển hướng kinh doanh rất nhanh, không như các DN lớn tính bền vững phải theo chiến lược phát triển dài hạn.

Hai là, tính liên kết của DN tư nhân rất yếu, chủ yếu là cạnh tranh nhau. Vì cạnh tranh như vậy nên những DN làm ăn chân chính không muốn đầu tư lớn, bài bản vào lĩnh vực theo đuổi do lo ngại rủi ro như lo sợ bị đối thủ cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng đến thương hiệu của DN.

Đặc điểm nữa là DN tư nhân đang thiếu “sếu đầu đàn” là những DN lớn, dẫn dắt các DN nhỏ tạo thành chuỗi cung ứng.

Với khối DN nhà nước (DNNN), nhiều ý kiến đánh giá hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Ông có đồng quan điểm này không?

Hiện nay, số lượng DNNN không lớn nhưng lại nắm giữ nguồn lực lớn với tổng tài sản lên tới hàng triệu tỷ đồng. DNNN nắm “sân” ở những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế. Ví dụ, trong lĩnh vực năng lượng, các nhà máy điện của EVN, TKV, PVN cung cấp khoảng 87% sản lượng điện cho xã hội; trong lĩnh vực xăng dầu, các DNNN và DN do DNNN sở hữu đóng góp hơn 84% thị phần bán lẻ...

Khi nắm giữ lợi thế đó, đáng lẽ DNNN phải phát triển mạnh. Tuy nhiên, tôi cho rằng chưa tương xứng nhìn từ hai yếu tố.

Yếu tố thứ nhất, cơ chế quản lý đối với khu vực DNNN chưa khuyến khích, thúc đẩy sự năng động, sáng tạo, dám làm, dám đầu tư của người làm kinh doanh do không phải là cơ chế đánh giá cân bằng giữa rủi ro và kết quả như khu vực DN tư nhân mà đánh giá theo hành vi. Một nhà quản trị DNNN dù có 9 - 10 quyết định đầu tư thành công nhưng nếu đưa ra một quyết định đầu tư sai khiến DN thua lỗ thì ngay lập tức bị xử lý. Cách đánh giá này khiến người làm kinh doanh ở DNNN rất e ngại với hoạt động đầu tư, nhất là ở những lĩnh vực mới.

Yếu tố thứ hai, theo tôi, cần thay đổi về mặt chiến lược đối với việc đầu tư của khu vực này nhằm gây dựng nên những DNNN “sếu đầu đàn” mở đường, dẫn dắt các DN khác phát triển. Hiện nay, nhiều lĩnh vực thị trường đang rất cần đầu tư, nếu chúng ta không đầu tư thì sẽ phải dùng tiền ngân sách để mua hoặc thuê của DN nước ngoài, vô hình trung tạo “sân chơi” cho DN nước ngoài.

Chi phí của doanh nghiệp còn cao

Một nghịch lý khác trong sự phát triển của DN là chi phí còn cao. Ông nhìn nhận thế nào về đánh giá này?

Liên quan đến chi phí chính thức của DN, cần nhìn nhận từ cả hai phía. Thứ nhất, xu thế tiêu dùng hiện đại đặt ra những yêu cầu mới về phát triển bền vững, đòi hỏi hàng hóa cũng phải đáp ứng những tiêu chuẩn, quy chuẩn ngày càng cao về môi trường, xã hội. Để tham gia “cuộc chơi” này, DN Việt Nam buộc phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn cao, khi đó chi phí sản xuất của DN tăng theo.

Thứ hai, ủng hộ việc cần thiết phải có những tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với sản phẩm, hàng hóa theo xu thế thời đại, nhưng nếu ngay lập tức áp những quy định đó vào cuộc sống một cách máy móc, không phù hợp thì lại gây cản trở cho quá trình phát triển, dẫn đến làm tăng chi phí cho DN. Vì thế, quá trình áp dụng phải tính được khả năng thích ứng và hiệu quả, tức là, việc áp dụng cần có lộ trình phù hợp, tránh việc đưa ra những tiêu chuẩn, quy chuẩn không phù hợp đến mức làm cho DN phải dừng hoạt động.

Về những chi phí không chính thức như chi phí thời gian, chi phí “bôi trơn” khi thực hiện thủ tục đầu tư, kinh doanh..., cần phải nghiêm túc nhìn nhận để có hướng tháo gỡ, hỗ trợ DN phát triển.

Xoay chuyển nghịch lý trong phát triển doanh nghiệp

Nhiều ý kiến cho rằng, đặt trong bối cảnh khó khăn chung của môi trường kinh doanh toàn cầu, đất nước ta đang có thế và lực mới, mở ra những triển vọng sáng trong phát triển DN. Theo ông, đâu là giải pháp căn cơ để xoay chuyển nghịch lý, giúp DN Việt Nam thực sự phát triển?

Hiện có ý kiến cho rằng cần phải khơi dậy niềm tin kinh doanh của DN, giúp DN vượt qua khó khăn, thách thức. Tôi lại nghĩ khác. Các DN đang rất tin tưởng vào sự phát triển của kinh tế đất nước, bằng chứng là suốt thời gian qua, đặc biệt trong 9 tháng đầu năm nay, dù thị trường trong nước có rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng số DN gia nhập thị trường và tái gia nhập thị trường vẫn liên tục tăng cao. Hơn nữa, sau nhiều tháng đơn hàng xuất khẩu chững lại do khó khăn thì đến nay, đơn hàng quốc tế của một số ngành hàng như: dệt may, thủy sản, hồ tiêu, gỗ, da giầy... đã quay trở lại.

Vì thế, tôi cho rằng, điều đang thiếu hiện nay là sự quyết tâm đồng chiều và hành động đồng bộ trong việc tháo gỡ khó khăn, thách thức, tăng “trợ lực”, khơi dậy sức mạnh nội sinh cho DN.

Quyết tâm đồng chiều, hành động đồng bộ trong trường hợp này cụ thể là gì, thưa ông?

Quyết tâm đồng chiều ở đây là quyết tâm hướng đến cùng một mục tiêu phát triển, theo đó từ suy nghĩ cho đến hành động về thể chế, cơ chế chính sách cũng như khâu thực thi phải đi theo đúng chiều đó thì mọi mong muốn đều có thể đạt được. Chẳng hạn, khi đặt mục tiêu phát triển DN, nếu chính sách ban hành thiếu sự rõ ràng, cản trở sự phát triển, khiến DN phản ứng thì chính sách đó không có sự đồng chiều. Đơn vị tham vấn xây dựng chính sách và cơ quan ban hành chính sách phải bị xử lý.

Vậy theo ông, hướng xử lý sẽ như thế nào?

Đến nay vẫn chưa có cơ chế xử lý những cơ quan ban hành chính sách gây khó khăn cho DN hoặc chính sách ban hành bị DN phản ứng. Tôi cho rằng, đã đến lúc phải thay đổi cách đánh giá đối với cán bộ công chức là người quản lý thông qua hiệu quả đầu ra của công việc thay vì đánh giá hành vi. Cách đánh giá có thể theo hướng, chừng nào DN còn phàn nàn về quy định gây khó cho DN thì lãnh đạo cơ quan quản lý phải bị xử lý, thậm chí cách chức. Theo cách này, buộc lòng những người đứng đầu các cơ quan quản lý phải liên tục tìm kiếm những giải pháp, quy trình, quy định tạo thuận lợi nhất cho DN. Được như vậy, DN sẽ không phải lãng phí thời gian, tiền bạc không cần thiết trong việc thực thi quy định, từ đó có thêm cơ hội để phát triển lớn mạnh.

Đối với hiện tượng một bộ phận cán bộ, công chức e ngại, né tránh, đùn đẩy trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN do các quy định pháp luật còn chưa rõ ràng, chồng chéo, các cơ quan chức năng cần vào cuộc tháo gỡ. Trường hợp những quy định pháp luật đã rõ ràng nhưng cán bộ, công chức vẫn né tránh, đùn đẩy trong xử lý vướng mắc cho DN thì những người này cần bị thay thế, loại bỏ...

Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục