Tính đến 30/11/2022, tỉnh Hà Nam đã hỗ trợ cho 3.208 doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh và 167.854 lượt người với tổng số tiền 99,125 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên |
Doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng
Tính đến ngày 30/11/2022, tỉnh Hà Nam có 749 DN thành lập mới, tăng 23,2% so với cùng kỳ, vượt 7% kế hoạch. Tổng số vốn đăng ký đạt 10.235,2 tỷ đồng, bằng 105,7% so với cùng kỳ, đạt 64,0% kế hoạch. Lũy kế đến nay, toàn Tỉnh có 8.230 DN đăng ký thành lập.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam, kết quả này có được là nhờ sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng DN, bên cạnh quyết tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Tỉnh và các sở, ban, ngành trong việc đẩy mạnh cải cách TTHC, tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho DN khởi nghiệp, mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, Tỉnh đã hỗ trợ cho 3.208 DN, hộ sản xuất kinh doanh và 167.854 lượt người với tổng số tiền 99,125 tỷ đồng. Hoàn thành việc hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định số 08/QĐ-TTg (349 DN đề nghị với 8.703 lao động) với số tiền hỗ trợ là 13,24 tỷ đồng. Thực hiện chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp thuế: tổng số kinh phí miễn, giảm thuế phí dự kiến cả năm là 163 tỷ đồng, số thuế gia hạn dự kiến cả năm khoảng 300 tỷ đồng.
Triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 36/2022/NQ-CP với số giải ngân cho vay hỗ trợ lãi suất đạt 158,57 tỷ đồng. Để tháo gỡ khó khăn cho các DN chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn Tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với số tiền 2.414,9 tỷ đồng cho 590 khách hàng và miễn, giảm lãi cho 2.819 khách hàng với số tiền miễn, giảm lãi 16.699,1 tỷ đồng; số lãi được miễn giảm 203 tỷ đồng. Đối với khách hàng ảnh hưởng do dịch tả lợn Châu Phi, số tiền cho vay đạt 2.197 tỷ đồng; trong đó, vay chăn nuôi là 1.753 tỷ đồng, vay sản xuất thức ăn chăn nuôi là 443 tỷ đồng, vay sản xuất thuốc thú y là 0,64 tỷ đồng...
Đặc biệt, công tác cải cách hành chính được Lãnh đạo Tỉnh thường xuyên chỉ đạo quyết liệt, trọng tâm là hiện đại hóa nền hành chính, hướng đến xây dựng chính quyền số, cải cách TTHC, nâng cao chất lượng, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Đơn cử như TTHC về đầu tư, xây dựng, các cấp chính quyền thực hiện theo cơ chế “một cửa”, qua đó đã rút ngắn thời gian so với quy định, tạo điều kiện thuận lợi, công khai, minh bạch cho nhà đầu tư. Đồng thời, công tác an ninh, trật tự, an toàn xã hội, dịch vụ viễn thông, ngân hàng, hạ tầng kỹ thuật tại các khu công nghiệp luôn được đảm bảo và không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng.
Tập trung gỡ khó để doanh nghiệp phát triển bứt phá
Tuy vậy, theo nhìn nhận của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam, tổng số DN giải thể, ngừng hoạt động là 574 DN, tăng 69,8% so với cùng kỳ (trong đó, 507 DN gửi thông báo tạm ngừng hoạt động, 67 DN giải thể) cũng là vấn đề đáng quan tâm.
Năm 2023, tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu phấn đấu đạt 700 DN đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký khoảng 13.000 tỷ đồng. Điểm Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nằm trong nhóm điểm 30 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước; Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) nằm trong nhóm điểm 20 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước.
Thực tế, nhìn chung công tác cải cách hành chính vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, vẫn còn một số hạn chế, bất cập gây khó khăn cho người dân và DN. Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 22/60; Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) xếp thứ 60/63; Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 42/63 so với các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa chưa đạt mục tiêu…
Nhận diện được những vấn đề này và khó khăn, thách thức của năm 2023 do ảnh hưởng của kinh tế thế giới và khu vực có nhiều biến động, UBND tỉnh Hà Nam xác định rõ phương hướng hành động trong năm tới. Trong đó, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính; tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất - kinh doanh; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, giải ngân các dự án lớn, trọng điểm, có tính kết nối liên vùng; huy động và sử dụng nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
Để tạo điều kiện cho DN phục hồi, phát triển sản xuất - kinh doanh, nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền các cấp tỉnh Hà Nam trong năm tới là tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, nhất là DN có dự án mới hoàn thành đi vào sản xuất kinh doanh, DN thuộc ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19. Tổ chức thực hiện chương trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 - 2025. Đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Hồng Đức, Dự án Cụm cảng Yên Lệnh…
Đồng thời, thực hiện đồng bộ những nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, công nghệ cao trên địa bàn Tỉnh. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 - 2025. Tập trung thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng xã hội, các dịch vụ phục vụ hoạt động của các khu, cụm công nghiệp: nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở chuyên gia, các công trình công cộng, công trình phúc lợi xã hội, trường học, bệnh viện...; tạo điều kiện cho người lao động có chỗ ở ổn định gắn bó lâu dài với DN và tỉnh Hà Nam.
Cùng với hạ tầng, việc phát triển nhân lực tại chỗ cho DN FDI cũng rất quan trọng, tập trung vào DN Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan; nhân lực vào Khu Đại học Nam Cao, Khu du lịch Tam Chúc, các dự án phát triển công nghệ cao...