Hà Nội chốt 9 cơ sở nhà, đất phải di dời theo quy định

0:00 / 0:00
0:00
9 cơ sở có vị trí “đất vàng” do Nhà nước, Công ty Cổ phần và Công ty Trách nhiệm hữu hạn hiện đang quản lý, sử dụng phải di dời theo quy hoạch…
Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long số 235 đường Nguyễn Trãi sẽ phải di dời trong thời gian tới - Ảnh: Sưu tầm
Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long số 235 đường Nguyễn Trãi sẽ phải di dời trong thời gian tới - Ảnh: Sưu tầm

Ngày 8/7, tại kỳ họp thứ 7, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua nghị quyết về danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn thành phố Hà Nội (đợt 1).

Nghị quyết nêu rõ: Thông qua danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn thành phố Hà Nội (đợt 1) gồm 9 cơ sở nhà, đất do các doanh nghiệp (do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Công ty Cổ phần và Công ty Trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) hiện đang quản lý, sử dụng phải di dời theo quy hoạch.

Việc di dời các cơ sở nhà, đất theo quy hoạch (đợt 1) nhằm làm cơ sở để các đơn vị doanh nghiệp có kế hoạch và xây dựng phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất phải di dời theo quy hoạch, qua đó góp phần sử dụng đất hiệu quả, đúng mục đích sử dụng, đúng quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo nghị quyết, UBND thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm rà soát, bảo đảm đúng quy định trước khi ban hành danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch được quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công; các quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu. UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo sở, ngành cùng UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, tổng hợp danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch và tổ chức triển khai theo quy định.

Theo báo cáo tại tờ trình của UBND Thành phố, việc di dời các cơ sở nhà, đất theo quy hoạch (đợt 1) nhằm làm cơ sở để các đơn vị doanh nghiệp có kế hoạch và xây dựng phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất phải di dời theo quy hoạch, qua đó góp phần sử dụng đất hiệu quả, đúng mục đích sử dụng, đúng quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tạo thêm quỹ đất cho khu vực nội thành xây dựng các công trình công cộng, đảm bảo hạ tầng xã hội, tạo cảnh quan kiến trúc và văn minh đô thị.

Cùng ngày, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua nghị quyết về Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, nghị quyết đưa ra mục tiêu phát triển nhà ở đến năm 2025, diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người toàn Thành phố phấn đấu đạt 29,5 m2/người.

Nghị quyết cũng đưa ra mục tiêu đến năm 2025, về nhà ở xã hội phát triển mới khoảng 1,25 m2 triệu sàn nhà ở; nhà ở tái định cư, thành phố cũng đưa mục tiêu phát triển mới khoảng 0,565 triệu m2 sàn nhà ở; nhà ở thương mại, sẽ phát triển mới khoảng 19,69 triệu m2 sàn nhà ở; căn hộ có diện tích tối thiểu 40m2/căn hộ; nhà ở riêng lẻ, sẽ phát triển mới khoảng 22,5 triệu m2 sàn (khoảng 4,5 triệu m2 sàn/năm).

Nghị quyết cũng nêu rõ mục tiêu đến năm 2030, diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người toàn Thành phố đạt 32 m2 sàn/người. Về nhà ở xã hội, sẽ phát triển mới khoảng 5,55 triệu m2 sàn nhà ở.

Về nhà ở tái định cư, sẽ phát triển mới khoảng 1,3 triệu m2 sàn nhà ở. Nhà ở thương mại, sẽ phát triển mới khoảng 15,19 triệu m2 sàn nhà ở. Nhà ở riêng lẻ sẽ phát triển mới khoảng 22,5 triệu m2 sàn (khoảng 4,5 triệu m2 sàn/năm).

Về quỹ đất để phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030, Thành phố dự kiến tổng diện tích đất để xây dựng nhà ở trên địa bàn toàn Thành phố khoảng 1.868 ha, trong đó diện tích đất xây dựng nhà ở khu vực đô thị khoảng 1.384 ha, khu vực nông thôn khoảng 484 ha.

Về nguồn vốn phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030, tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn Thành phố khoảng 880.000 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn ngân sách khoảng 11.700 tỷ đồng.

Cũng trong khuôn khổ kỳ họp, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua nghị quyết về quy định mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính về xây dựng tại các quận thuộc thành phố Hà Nội. Nghị quyết quy định mức phạt tiền áp dụng đối với một số hành vi vi phạm hành chính về xây dựng được quy định tại Nghị định số 16/2022 NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng xảy ra tại các quận thuộc thành phố Hà Nội.

Cụ thể, nghị quyết quy định nâng mức tiền phạt đối với 20/91 nhóm hành vi vi phạm hành chính (thuộc 5/34 điều tại Chương II quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong hoạt động xây dụng) được quy định tại Nghị định số 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Việc quy định và áp dụng mức xứ phạt cao hơn trong lĩnh vực xây dựng tại các quận có tác dụng răn đe, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc chấp hành các quy định pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý trật tự trên địa bàn Thành phố.

Trước đó, tại tờ trình của UBND thành phố Hà Nội, theo kết quả tổng kết Luật Thủ đô của UBND Thành phố năm 2021, từ khi áp dụng Nghị quyết số 07/2014/NQ-HĐND đến thời điểm tổng kết, trên địa bàn Thành phố đã phát hiện và ra 3.053 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đã thi hành 3.008 quyết định, chưa thi hành 45 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế 37 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 29,5 tỷ đồng.

Danh mục 9 cơ sở nhà, đất tại 12 quận đề xuất di dời gồm:

Công ty In Báo Nhân dân Hà Nội;

Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên In Báo Hà Nội Mới;

Nhà máy Bia Hà Nội (Tổng Công ty cổ phần Bia, rượu, nước giải khát Hà Nội);

Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thuốc lá Thăng Long;

Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên In và Thương mại Thông tấn xã Việt Nam;

Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội);

Tổng kho xăng dầu Đức Giang;

Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Nông nghiệp;

Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục