Hà Nội đề xuất được trao quyền mạnh hơn

(BĐT) - Hà Nội vừa có một loạt đề xuất, kiến nghị liên quan đến việc trao quyền mạnh hơn để Thành phố chủ động trong hoạt động đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. 
TP. Hà Nội đang triển khai một số dự án xây dựng hạ tầng đô thị nhằm đáp ứng nhu cầu dân sinh bức xúc. Ảnh: Tiên Giang
TP. Hà Nội đang triển khai một số dự án xây dựng hạ tầng đô thị nhằm đáp ứng nhu cầu dân sinh bức xúc. Ảnh: Tiên Giang

Kiến nghị này theo Thành phố là nhằm hỗ trợ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 trước áp lực dân số ngày càng gia tăng, gây quá tải hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn.

Theo đó, để rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư các dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách Thành phố, TP. Hà Nội đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét sửa đổi Điều 17 Luật Đầu tư công theo hướng “Đối với TP. Hà Nội, giao HĐND Thành phố quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách Thành phố”. Trong khi chờ Quốc hội xem xét, sửa đổi, đề nghị Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho TP. Hà Nội (HĐND Thành phố) phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm A, nguồn vốn ngân sách Thành phố.

UBND TP. Hà Nội cho biết, Thành phố đang triển khai một số dự án xây dựng hạ tầng đô thị, phát triển kinh tế - xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu dân sinh bức xúc. Hà Nội hiện có đội ngũ cán bộ, công chức, các cơ quan có đủ năng lực tham mưu cho Thành phố trong việc thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A.

Về cơ chế đặc thù trong lựa chọn nhà đầu tư, để sớm triển khai các dự án có sử dụng đất, nhất là các dự án có quy mô diện tích và tổng vốn đầu tư lớn, có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội, đô thị, TP. Hà Nội đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội phân cấp cho UBND Thành phố được áp dụng cơ chế đặc thù trong việc chủ động xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà đầu tư. Hiện nay, theo quy định tại Điều 26 của Luật Đấu thầu: “Trường hợp gói thầu, dự án xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư quy định tại các điều 20, 21, 22, 23, 24 và 25 của Luật này thì người có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư”.

Về giải ngân vốn ODA, theo quy định tại Khoản 2 Điều 76 Luật Đầu tư công, phần vốn nước ngoài trong kế hoạch đầu tư công hàng năm được phép giải ngân theo tiến độ thực hiện và tiến độ cấp vốn của nhà tài trợ nước ngoài. Tuy nhiên thực tế hiện nay, việc giải ngân nguồn vốn ODA của các dự án vẫn phải tuân thủ theo Nghị quyết của Quốc hội, không được vượt kế hoạch giao, dẫn đến chậm trễ trong công tác giải ngân. Do vậy, UBND TP. Hà Nội kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép áp dụng việc giải ngân vốn ODA theo tiến độ thực hiện và tiến độ cấp vốn của nhà tài trợ nước ngoài.

Tin cùng chuyên mục