Ảnh minh họa. |
Tổng diện tích đề xuất điều chỉnh khoảng 209,36 ha (bao gồm tuyến đường tại phía Tây và Tây Bắc hồ Yên Sở khoảng 7,42 ha), quy mô dân số tối đa khoảng 14.775 người.
Khu đất có ranh giới phía Bắc và phía Tây giáp nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, các khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ, Thịnh Liệt, Ao Sào, Đồng Tầu và Trung tâm hành chính quận Hoàng Mai; phía Nam giáp đường Vành đai 3 và phía Đông giáp đường Nguyễn Tam Trinh.
Theo quyết định, khu vực không điều chỉnh so với quy hoạch phân khu đô thị H2-4 đã được duyệt gồm: các tuyến đường giao thông quanh khu vực nghiên cứu; mặt nước hồ Yên Sở, kênh bao hồ Yên Sở; khu đất công cộng đô thị ký hiệu B5/CC1 (metro Hoàng Mai hiện có) và khu vực đất làng xóm, đường giao thông và các ô đất chức năng nằm phía Đông Nam tuyến đường khu vực (mặt cắt ngang 20,5m) nối từ đường gom Vành đai 3 đến đường Tam Trinh.
Khu vực có sự điều chỉnh là Khu đô thị thuộc khu B công viên Yên Sở, gồm một số ô đất và mạng đường giao thông trong khu chức năng đô thị.
Theo nội dung điều chỉnh, quy mô dân số trong ô quy hoạch B5 sẽ được tăng lên từ 2.775 người (giai đoạn đến năm 2050) và từ 5.000 người (giai đoạn trước mắt đến năm 2020 và các năm tiếp theo) lên 14.775 người (cho cả hai giai đoạn).
Quỹ đất công cộng đô thị giảm đi và được bố trí tại các tầng đế của công trình hỗn hợp, đảm bảo quỹ sàn theo quy định; bổ sung quỹ đất để xây dựng thêm các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đáp ứng nhu cầu của người dân trong khu vực như trường học, nhà trẻ, cây xanh đơn vị ở, bãi đỗ xe.
Đất hỗn hợp sẽ tăng chiều cao tối đa lên 45 tầng, tạo điểm nhấn đô thị và tăng hiệu quả sử dụng đất, đảm bảo chiều cao tĩnh không theo quy định; tổ chức hệ thống đường giao thông tạo liên kết giữa khu đô thị với khu dân cư hiện có; khu công viên cây xanh hồ Yên Sở với khu đô thị; chuyển đổi chức năng nhà ở cho thuê sang nhà ở thương mại, nhà ở xã hội... nhằm đa dạng hóa loại hình nhà ở.
Về quy hoạch giao thông, mạng lưới đường sắt đô thị của thành phố gồm tuyến số 3 xây dựng dọc đường Nguyễn Tam Trinh, tuyến số 8 xây dựng dọc đường Vành đai 3. Giao thông đường bộ sẽ gồm đường Vành đai 3 giáp phía Nam khu quy hoạch, đường Nguyễn Tam Trinh giáp phía Đông khu quy hoạch; đường B=40m phía Tây khu quy hoạch, đường B=30m phía Bắc và Tây Bắc khu quy hoạch và các tuyến đường nội bộ, cấp khu vực. Những tuyến đường này đều giữ nguyên theo đồ án Quy hoạch phân khu đô thị H2-4 đã được UBND thành phố duyệt và thực hiện theo dự án riêng.
Mục tiêu của việc điều chỉnh quy hoạch là hình thành một khu trung tâm mới của thành phố với chức năng công viên cây xanh văn hóa, nghỉ ngơi giải trí và công cộng đô thị, bổ sung các loại hình nhà ở (nhà ở thương mại, nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội), đặc biệt nhu cầu tái định cư tại chỗ cho các dự án trọng điểm trên địa bàn quận Hoàng Mai...
Việc lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được giao cho chủ đầu tư Dự án là Công ty Cổ phần đầu tư T&M Việt Nam thực hiện. Doanh nghiệp này hiện có 2 cổ đông chính là Eurowindow Holding và T&M Trans Bahamas.
Ngoài việc tạo các điểm nhấn, cột mốc trong đô thị, công trình cao tầng có thể tạo ra một chuỗi mang tính dẫn hướng, hay tạo ra những khu vực tổ hợp làm thay đổi về hình thái không gian, tránh sự đơn điệu nhàm chán…
Trong tổ chức không gian, các công trình cao tầng tổ hợp thành một khu vực thường gắn với cây xanh, hồ nước, không gian mở có diện tích lớn. Việc kết hợp này ngoài việc làm cân bằng mật độ, còn nhằm nhấn mạnh vào sự khác biệt về không gian, tạo sự phong phú … Rất nhiều thành phố, hình ảnh của nó được gắn với một diện những công trình cao tầng.
Việc điều chỉnh quy hoạch, thiết kế các công trình, dự án là khó tránh khỏi trong thực tế. Tuy nhiên, ở một đô thị lớn có hệ thống hạ tầng luôn trong tình trạng quá tải như Hà Nội, nếu tình trạng này trở nên phổ biến với mức độ điều chỉnh quá lớn, chính thành phố sẽ phải gánh chịu những hệ lụy khó lường.