Ảnh T.L minh họa |
Theo đó, trong năm 2017, thành phố Hà Nội sẽ không bố trí dự toán ngân sách để mua xe ô tô trang bị cho các chức danh và xe ô tô phục vụ công tác chung tại các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của thành phố.
Thành phố khuyến khích các cơ quan, tổ chức, đơn vị áp dụng cơ chế khoán kinh phí sử dụng xe ô tô hoặc thuê xe ô tô để phục vụ công tác theo quy định tại Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 4/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 159/2015/TT-BTC ngày 15/10/2015 của Bộ Tài chính và Quyết định số 1215/QĐ-UBND ngày 20/2/2017 của UBND thành phố.
Việc mua sắm xe ô tô chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ được thực hiện khi cơ quan, tổ chức, đơn vị thiếu xe ô tô so với tiêu chuẩn, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật. Sau khi rà soát, sắp xếp số xe ô tô hiện có của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của thành phố nhưng không có xe ô tô phù hợp, đủ điều kiện để thực hiện điều chuyển theo quy định.
Quan điểm của UBND thành phố Hà Nội là quản lý, sử dụng xe ô tô chuyên dùng được trang bị đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả; không sử dụng xe ô tô chuyên dùng vào việc đưa đón các chức danh lãnh đạo và phục vụ công tác chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Công văn cũng nêu rõ, căn cứ Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững yêu cầu “Nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên”, thành phố Hà Nội yêu cầu không sử dụng vốn vay nước ngoài trong khuôn khổ các chương trình/dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, vốn vay thương mại để mua sắm xe ô tô.
Đối với dự án viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, Ban quản lý dự án có nhu cầu trang bị phương tiện đi lại, xe ô tô cần xây dựng phương án trang bị xe ô tô, phương tiện đi lại, phương án sử dụng, đối tượng sử dụng, nguồn kinh phí và khả năng bố trí kinh phí vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, báo cáo cơ quan chủ quản trình UBND thành phố lấy ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, mua sắm, tiếp nhận chương trình/dự án/khoản viện trợ phi dự án...