Xe máy chen chúc ở một tầng hầm chung cư cao tầng ở Hà Nội. Ảnh minh họa |
Trong những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa nhanh đã dẫn đến sự gia tăng “chóng mặt” quy mô dân số, các tòa nhà cao tầng, các phương tiện giao thông ngày càng dày đặc. Tuy nhiên, hầu hết các khu chung cư cao tầng hiện nay mới chỉ thiết kế từ một đến hai tầng hầm nên không đủ chỗ đỗ xe cho cư dân.
Do thiếu chỗ đỗ xe cho nên tại các tuyến đường quanh các khu đô thị, gầm cầu, thậm chí cả trên vỉa hè… đâu đâu cũng bị thu hẹp diện tích và tận dụng làm địa điểm đỗ xe ô tô, xe máy gây mất mỹ quan đô thị, ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến sự an toàn của người đi trên đường.
Theo khảo sát của Colliers International Việt Nam, tình trạng này phổ biến ở các khu vực có mật độ cư dân dày đặc, như Trung Hòa Nhân Chính, Mỹ Đình, Kim Liên, Thái Hà, Linh Đàm…
Thiếu chỗ đỗ xe không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn gây ra nhiều hệ lụy như nạn trộm cắp, mất an ninh, tranh chấp bến bãi hay tăng giá trông xe vô tội vạ… mà đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất chính cư dân.
Trước tình trạng trên, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đang xây dựng Dự thảo Hướng dẫn xác định quy mô tầng hầm phục vụ đỗ xe đối với các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn TP. Phạm vi áp dụng bao gồm: Khu đô thị nội đô lịch sử (giới hạn từ vành đai 2 trở vào) và Khu vực nội đô mở rộng, phát triển mới.
Về diện tích xây dựng tầng hầm đỗ xe của công trình, dự thảo đặt ra tối thiểu bằng diện tích xây dựng công trình; tối đa trùng với chỉ giới xây dựng hoặc phạm vi sử dụng đất hợp pháp của ô đất xây dựng công trình; chiều sâu tầng hầm để xe không quá 5 tầng (theo quy chuẩn Bộ Xây dựng)…
Theo dự thảo, các dự án cần nghiên cứu bổ sung diện tích tầng hầm, gồm các dự án nhà ở, không phân biệt các loại công trình nhà ở: Chung cư cao cấp, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà tái định cư… (chỉ tiêu tính toán nhu cầu đỗ xe bản thân, tạm tính theo hướng dẫn của Bộ XD tại Công văn số 1245/BXD-KHCN ngày 24/6/2013).
Quy định trên cũng áp dụng cho các công trình công cộng, hỗn hợp, cơ quan, gồm: văn phòng, khách san, trung tâm thương mại… các công cộng, hỗn hợp, dịch vụ đô thị (dạy nghề, văn hóa, TDTT, vui chơi giải trí, du lịch, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông…) cấp TP và khu vực.
Đáng chú ý, dự thảo cũng khuyến khích các, gồm: các công trình phục vụ an ninh quốc phòng, cơ quan Đảng, cơ quan Chính phủ; trụ sở Bộ ngành; cơ quan hành chính các cấp; công trình giáo dục cấp mầm non đến THPT; công trình bệnh viện, công trình có tính chất bí mật; công trình tôn giáo, tín ngưỡng. Các công trình cấp III và IV theo phân cấp công trình tại Thông tư số 03/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ Xây dựng... bổ sung diện tích tầng hầm (phải bảo đảm đủ chỗ đỗ xe cho nhu cầu bản thân công trình theo quy định).
Các công trình không được phép bố trí gara ô tô tại tầng hầm (theo quy định tại quy chuẩn QCVN 08: 2009 của Bộ Xây dựng), gồm: Nhà trẻ, mẫu giáo, nhà chuyên dùng cho người cao tuổi và người khuyết tật, bệnh viện, khối nhà ngủ của trường nội trú và các cơ sở cho trẻ em; các trường phổ thông, cơ sở đào tạo ngoài trường phổ thông, Trường trung học chuyên nghiệp, Trường kỹ thuật dạy nghề.
Tuy nhiên, dự thảo cũng khuyến khích các công trình xây dựng tầng hầm để bố trí chỗ để xe máy, xe đạp hoặc xây dựng tầng hầm bên trong các khối nhà hành chính, văn phòng để bố trí gara ô tô, nhằm tăng diện tích trồng cây xanh trên mặt bằng, đảm bảo cảnh quan môi trường trong khuôn viên dự án.
Hiện dự thảo đang được Sở Quy hoạch Kiến trúc xây dựng và lấy ý kiến cơ quan liên quan trước khi ban hành.