Hà Nội hiện có khoảng 300.000 hộ kinh doanh được cấp đăng ký kinh doanh, song chỉ có trên 171.000 hộ nộp thuế. Ảnh: Tường Lâm |
Hộ kinh doanh sợ báo cáo, thanh tra, kiểm tra
Ông Lê Văn Quân, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho biết, số liệu của Cục Thuế Hà Nội cho thấy, tính đến hết năm 2018, trên địa bàn Thành phố có 171.491 hộ kinh doanh đang hoạt động và có nộp thuế. Song thực tế, số hộ kinh doanh hoạt động trên địa bàn Thành phố là khoảng 300.000 hộ. Đáng chú ý, số lượng hộ kinh doanh chuyển đổi sang doanh nghiệp (DN) hàng năm rất thấp. “Năm 2019, trên địa bàn có 43 hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trên tổng số khoảng 25.000 - 26.000 DN thành lập mới hàng năm. Còn số hộ kinh doanh có từ 10 lao động trở lên không có số liệu chính xác vì không rà soát được”, ông Quân chia sẻ.
Về nguyên nhân của việc nhiều hộ kinh doanh chưa muốn thành DN, ông Quân chỉ ra là do tâm lý e ngại các điều kiện, thủ tục chuyển đổi thành DN; bị trùng tên hộ kinh doanh với DN đã có từ trước; phải thực hiện nhiều quy định về kế toán, kê khai nộp thuế…
Đồng tình với nhận định này, một hộ kinh doanh đến từ huyện Chương Mỹ cho biết, hộ kinh doanh thường xuất phát từ những người nông dân, khi quy mô sản xuất kinh doanh lớn hơn thì họ thuê thêm người lao động. Nhưng chuyển đổi sang DN thì họ sợ không đủ trình độ quản lý, sợ báo cáo, sợ thanh tra, kiểm tra…
Dù đang rất muốn chuyển đổi sang DN để hoạt động kinh doanh thuận lợi hơn, song ông Nguyễn Anh Tuấn - chủ hộ kinh doanh thiết kế nội thất và thiết bị xây dựng - vẫn e ngại thủ tục hành chính phức tạp…
Khó quản lý sau đăng ký thành lập
Theo ông Hoàng Văn Dụng, cán bộ Phòng Tài chính huyện Đông Anh, hàng năm, Phòng phối hợp với Quản lý thị trường phát hiện nhiều trường hợp hộ kinh doanh không hoạt động hoặc hoạt động sai nội dung đăng ký, tuy nhiên, việc xử lý vi phạm gặp khó khăn.
Đại diện Phòng Tài chính quận Ba Đình cho biết, qua rà soát trên địa bàn Quận hiện có hơn 17.000 hộ đăng ký kinh doanh, trong đó có tới hơn 10.000 hộ đã dừng kinh doanh nhưng chưa thu hồi được giấy đăng ký kinh doanh. Hiện chỉ có hơn 4.000 hộ kinh doanh có hoạt động và nộp thuế.
“Điểm khó nhất trong vấn đề quản lý đối với hộ kinh doanh là địa điểm đăng ký kinh doanh để đảm bảo cấp đăng ký kinh doanh cũng như quản lý hoạt động. Trên thực tế, khi kiểm tra, các hộ này đã đóng cửa kinh doanh, có giấy phép nhưng không hoạt động nhưng cũng không thông báo. Bên cạnh đó, việc thu hồi giấy đăng ký kinh doanh đối với hơn 10.000 hộ đã dừng kinh doanh hiện cũng gặp khó khăn…”, đại diện Phòng Tài chính quận Ba Đình cho biết.
Một số ý kiến cho rằng, với tốc độ đô thị hóa nhanh như Hà Nội hiện nay, số lượng chung cư mọc lên nhiều. Trong chung cư có cả hộ kinh doanh, nên khó khăn cho kiểm tra, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng kiểm tra. Cùng với đó, nhiều đối tượng cá nhân thu nhập “khủng” nhờ kinh doanh online nhưng không có địa điểm kinh doanh cố định… cũng rất khó quản lý thuế.
Để tạo điều kiện quản lý hộ kinh doanh tốt hơn, từ đó thúc đẩy loại hình này phát triển, đại diện cơ quan quản lý kinh doanh trên địa bàn Hà Nội cũng như các hộ kinh doanh kiến nghị, việc sửa Luật DN lần này cần phải có chế tài quản lý hộ kinh doanh phù hợp nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch giữa DN và hộ kinh doanh.
Tiếp thu ý kiến đóng góp, đại diện Ban soạn thảo Luật DN (sửa đổi), ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, quan điểm của Ban soạn thảo là sẽ thay đổi khung pháp lý cho hộ kinh doanh để tạo điều kiện cho hộ kinh doanh phát triển. Ở chừng mực nào đó, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng, tránh méo mó, song cũng không thể dồn hộ kinh doanh vào khung pháp luật quá chặt chẽ…