Hạ tầng chiến lược - động lực đỡ sức cầu thị trường bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Những năm gần đây, việc hiện đại hóa hạ tầng giao thông tại Hà Nội và TP.HCM với nhiều dự án chiến lược như đường bộ cao tốc, vành đai, cảng hàng không quốc tế… không chỉ cải thiện chất lượng sống của người dân mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS). Giá trị BĐS tại các khu vực có hạ tầng phát triển tốt tăng đáng kể, trong khi xu hướng dịch chuyển dân cư và nhà đầu tư ra vùng ven ngày càng mạnh mẽ.
Khu vực dọc tuyến đường Vành đai 3 - TP.HCM tập trung nhiều dự án bất động sản. Ảnh: Lê Tiên
Khu vực dọc tuyến đường Vành đai 3 - TP.HCM tập trung nhiều dự án bất động sản. Ảnh: Lê Tiên

Bà Nguyễn Thị Thanh Vy, nhân viên môi giới BĐS thuộc Công ty CP Bất động sản Opus Realty (thành viên Đất Xanh Services) cho biết, từ đầu năm 2025 tới nay, lượng khách đặt mua căn hộ tại các dự án chung cư khu vực TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương có xu hướng tăng và tính thanh khoản rất khả quan. Đơn cử, tháng 3 vừa qua, lượng khách giữ chỗ và ký hợp đồng mua căn hộ tại Dự án A&T Sky Garden, dự án có vị trí cửa ngõ kết nối TP.HCM với Bình Dương tăng mạnh. Thông tin tích cực về tiến độ thi công các dự án giao thông kết nối vùng như Vành đai 3 - TP.HCM, mở rộng Quốc lộ 13, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và tin đồn sáp nhập tỉnh Bình Dương vào TP.HCM… hỗ trợ lực cầu tăng.

Theo bà Vy, không chỉ Dự án A&T Sky Garden, hàng chục dự án chung cư khác khu vực tam giác TP. Thủ Đức (TP.HCM), TP. Dĩ An (tỉnh Bình Dương), TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) như Phú Đông Sky Garden, Phú Đông Skyone (Công ty CP Địa ốc Phú Đông); Bcons City, Green Sapphire, Green Topad (Công ty CP Địa ốc Bcons); The Privé Nam Rạch Chiếc (TP.HCM)… cũng được khách hàng quan tâm. Thị trường BĐS khu vực này ấm lên nhờ đòn bẩy hạ tầng giao thông kết nối tốt hơn, phân khúc sản phẩm chung cư trung cấp với mức tài chính vừa sức cư dân trẻ.

Theo một nghiên cứu của Savills Việt Nam, TP. Thủ Đức và vùng vệ tinh phía Đông TP.HCM gồm Bình Dương, Đồng Nai ngày càng hấp dẫn hơn trong thời gian gần đây nhờ hệ thống hạ tầng giao thông được tập trung đầu tư mạnh. Trong 2 năm tới, nguồn cung cho thị trường căn hộ tại TP.HCM có thể đạt hơn 40 nghìn căn, trong đó TP. Thủ Đức dự kiến chiếm một nửa. Nguồn cung nhà phố, biệt thự dự kiến khoảng 4 nghìn căn từ 19 dự án sẽ được ra mắt trên thị trường và TP. Thủ Đức chiếm đến 30%.

Bà Cao Thị Thanh Hương, quản lý cấp cao Bộ phận Nghiên cứu của Savills Việt Nam cho biết: “Thủ Đức và khu vực lân cận (các thành phố Dĩ An, Biên Hòa) có lợi thế lớn khi là cửa ngõ kết nối TP.HCM với các địa phương trọng điểm Đông Nam Bộ. Thời gian gần đây, khu vực này nhận được sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông. BĐS khu vực này được hưởng lợi và trở thành điểm đến hấp dẫn nhiều chủ đầu tư tên tuổi cũng như khách hàng mua nhà. Do đó, mặt bằng giá bán, nguồn cung liên tục tăng nhưng vẫn có tỷ lệ hấp thụ tốt, chứng tỏ tiềm năng lớn”.

Cũng theo Savills Việt Nam, các lựa chọn giá cả phải chăng tập trung vào khu vực lân cận TP.HCM với triển vọng giao thông kết nối thúc đẩy nguồn cầu dịch chuyển sang Bình Dương và Đồng Nai. Triển vọng tích cực hơn với việc các dự án mới đang được triển khai dọc theo các tuyến hạ tầng trọng điểm. Sự dịch chuyển nguồn cầu lý giải hiện tượng lượng giao dịch căn hộ tại Bình Dương tăng đáng kể thời gian qua.

Tương tự, tại khu vực phía Bắc, công cuộc hiện đại hóa hạ tầng giao thông cũng mang tới luồng gió mới cho thị trường BĐS. Đơn cử, việc phát triển hạ tầng giao thông hiện đại đã tạo đà bứt phá cho các dự án BĐS tại Thủ đô Hà Nội. Năm 2025, nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm sẽ hoàn thành, được kỳ vọng tạo động lực mạnh mẽ mở rộng không gian đô thị, hỗ trợ nhu cầu và phát triển mạnh mẽ các dự án nhà ở trên địa bàn Thủ đô.

Năm nay, chỉ tính riêng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội đã được giao kế hoạch vốn 12.803 tỷ đồng cho 26 dự án. Trong 10 dự án đang hoàn thiện chủ trương đầu tư để khởi công, đáng chú ý có cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng. Nhiều dự án lớn đang xây dựng và sắp hoàn thành gồm: hầm chui Vành đai 2,5 - đường Giải Phóng; đường gom Bắc Thăng Long - Nội Bài, đoạn qua Khu công nghiệp Quang Minh I; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi; cầu Tân Phú… Hà Nội cũng đặt mục tiêu hoàn thành Dự án thành phần 2.1 thuộc Dự án Xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô vào cuối năm nay.

Ông Đỗ Tiến Lợi, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC cho biết, hạ tầng giao thông của Thủ đô thời gian qua ghi nhận nhiều bước tiến quan trọng, đã và đang đóng vai trò đòn bẩy phát triển hàng loạt phân khúc BĐS, mở ra nhiều cơ hội mới đầu tư vào thị trường này. Khi hạ tầng giao thông được đầu tư bài bản, việc di chuyển thuận lợi sẽ kích thích phát triển các sản phẩm BĐS ở vùng ven như: nhà ở xã hội, các trung tâm thương mại - dịch vụ, nhà ở thương mại, hệ thống siêu thị… Việc đầu tư hạ tầng giao thông ở Hà Nội khá đồng đều, bài bản. Phía Đông có nhiều khu đô thị lớn đã hình thành, nguồn cung BĐS đa dạng nhờ hạ tầng giao thông rộng mở với các cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Chương Dương... cùng đường Vành đai 2, Vành đai 3. Về phía Tây, sau khi hoàn thành các tuyến đường trục lớn như Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai sẽ hình thành các đô thị vệ tinh… Trong khi đó, phía Bắc hưởng lợi từ hệ thống đường Vành đai 2, 3, các cây cầu: Nhật Tân, Thăng Long và sắp tới là cầu Tứ Liên... nên sẽ hình thành nhiều khu đô thị lớn… Điều này mở ra rất nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư BĐS có tầm nhìn.

Theo ý kiến chuyên gia, việc hiện đại hóa hạ tầng giao thông tại Hà Nội và TP.HCM trong những năm gần đây đã có tác động mạnh mẽ đến thị trường BĐS, đặc biệt là ở các khu vực có những công trình giao thông trọng điểm. Một là, gia tăng giá trị BĐS. Tại Hà Nội, tuyến đường Vành đai 2 trên cao, Vành đai 3, tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội đang khiến giá đất dọc theo các tuyến này tăng đáng kể. Tại TP.HCM, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), đường Vành đai 3 - TP.HCM, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây giúp giá đất tại các khu vực phía Đông TP.HCM và các vùng lân cận như Bình Dương, Đồng Nai tăng mạnh. Hai là, thu hút nhà đầu tư và cư dân chuyển dịch ra vùng ven. Hạ tầng phát triển giúp mở rộng không gian đô thị, làm giảm áp lực cho khu trung tâm. Những khu vực từng bị coi là xa trung tâm như Đông Anh, Hoài Đức (TP. Hà Nội); Củ Chi, Nhà Bè (TP.HCM) hay khu vực lân cận như Bình Dương, Đồng Nai nay trở thành điểm nóng nhờ các tuyến giao thông kết nối tốt hơn. Ba là, tăng nhu cầu nhà ở và sự phát triển của các khu đô thị mới. Hạ tầng phát triển kéo theo sự dịch chuyển dân cư, từ đó làm gia tăng nhu cầu về nhà ở. Nhiều khu đô thị đã được đầu tư dọc theo các tuyến giao thông mới, đặc biệt là tác động gia tăng xu hướng đầu tư BĐS đón đầu hạ tầng. Nhiều nhà đầu tư đang có xu hướng "đón sóng" hạ tầng bằng cách mua BĐS trước khi công trình giao thông được triển khai hay đi vào hoạt động, kỳ vọng giá trị sẽ tăng mạnh sau khi hạ tầng hoàn thiện. Thực tế đã có những cơn sốt đất cục bộ tại một số khu vực có thông tin hạ tầng sắp triển khai. Các khu vực này trở thành "điểm nóng" thu hút nhà đầu tư, khiến nhu cầu mua bán, giao dịch sôi động hơn.

Thực tế ghi nhận, hạ tầng phát triển đã giúp mở rộng không gian đô thị mới như Đông Hà Nội (Gia Lâm, Long Biên), Tây Hà Nội (Hoài Đức, Nam Từ Liêm); Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè tại TP.HCM. Khu vực xung quanh các công trình giao thông lớn như sân bay Long Thành, cầu Thủ Thiêm, Vành đai 3 - TP.HCM, đường Vành đai 4 - Hà Nội thu hút nhiều dự án thương mại, trung tâm mua sắm, văn phòng, góp phần tăng sức cầu BĐS cả về nhà ở, thương mại, công nghiệp và nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, cũng có những thách thức phải đối mặt và tìm giải pháp ứng phó như giá đất tăng cao, nguy cơ “sốt ảo” ở một số khu vực.

Tin cùng chuyên mục