Hạ tầng giao thông - “chìa khóa” để bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Là tỉnh vệ tinh của Thủ đô Hà Nội, thời gian qua, Thái Nguyên đã tập trung phát triển hệ thống hạ tầng giao thông để tạo “đòn bẩy” tăng sức hút đầu tư, làm “bệ phóng” bứt tốc phát triển đô thị. Nhiều công trình đã góp phần tạo nên diện mạo mới trẻ trung, năng động và giàu bản sắc của tỉnh Thái Nguyên.
Cầu Bến Tượng bắc qua sông Cầu thuộc địa phận thành phố Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư 436 tỷ đồng
Cầu Bến Tượng bắc qua sông Cầu thuộc địa phận thành phố Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư 436 tỷ đồng

Theo Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây, để tạo bước phát triển đột phá, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên mà tỉnh Thái Nguyên xác định là tập trung phát triển kết cấu hạ tầng gắn với phát triển đô thị và công nghiệp tại các khu vực phía Nam của Tỉnh; ưu tiên đầu tư giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch thu hút các nhà đầu tư; phát triển hạ tầng giao thông và khu công nghiệp gắn kết với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội, hình thành vùng động lực phía Nam của tỉnh Thái Nguyên.

Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đại Á Đông (thành viên đứng đầu Liên danh tư vấn xây dựng Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050) cho biết, Thái Nguyên có hệ thống giao thông liên kết vùng tương đối thuận lợi, chủ yếu là giao thông đường bộ. Hướng liên kết quan trọng nhất hiện nay là giữa Thái Nguyên với Thủ đô Hà Nội thông qua tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Quốc lộ 3 và tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên. Thái Nguyên cũng là cửa ngõ liên kết giữa vùng trung du và miền núi phía Bắc với vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, cán bộ của Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên cho biết, hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn Tỉnh trong nhiều năm qua luôn được quan tâm đầu tư. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng giao thông hiện tại cơ bản đồng bộ, gồm đầy đủ các loại đường từ cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị, đường xã... Để đón đầu sự phát triển, thời gian qua, Thái Nguyên đã triển khai các dự án giao thông quan trọng để tăng liên kết vùng, trong đó phải kể đến Dự án đường Vành đai 5 - vùng Thủ đô và Dự án tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc. Mạng lưới giao thông đường bộ từng bước được hoàn thiện, kết nối khá tốt các địa phương trong Tỉnh cũng như với cả nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút các nhà đầu tư đến với Thái Nguyên.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một nhà đầu tư ở Hà Nội nhận xét, Thái Nguyên có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển hơn nữa nếu đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông. Hiện tại, kết cấu hạ tầng giao thông vận tải của Thái Nguyên còn chưa đồng đều giữa các khu vực. Mạng lưới đường bộ tập trung chủ yếu ở khu vực thị xã Phổ Yên, thành phố Sông Công và thành phố Thái Nguyên. Ở các huyện miền núi như Định Hóa, Võ Nhai, hạ tầng giao thông còn hạn chế, điều kiện địa hình khó khăn nên khó thu hút các nhà đầu tư lớn. Do đó, đầu tư đồng bộ mạng lưới hạ tầng giao thông vừa là nhiệm vụ, vừa là chìa khóa phát triển của Thái Nguyên.

Theo Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, từ nay đến năm 2030, nhiệm vụ của Thái Nguyên là tập trung đầu tư các dự án giao thông liên kết vùng, bao gồm đường bộ, cao tốc và quốc lộ thông tuyến với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn (CT07) và tuyến đường Vành đai 5 liên kết với vùng Thủ đô Hà Nội. Ngoài ra, Thái Nguyên sẽ đầu tư các dự án giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và các công trình giao thông đầu mối gắn kết với các tỉnh, thành: Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Yên Bái, Sơn La và các nước trong khu vực. Trong đó có cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn, Quốc lộ 3, Quốc lộ 37, Quốc lộ 37C, Quốc lộ 17, đường Hồ Chí Minh liên kết Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc, Quốc lộ 1B kết nối với tỉnh Lạng Sơn, qua cửa khẩu Đồng Đăng sang Trung Quốc.

Bên cạnh đó, đầu tư các tuyến giao thông đường sắt hiện có Hà Nội - Thái Nguyên, Kép - Lưu Xá cấp 1, khổ 1.435 mm và tuyến giao thông đường sắt nối Thái Nguyên - Tuyên Quang - Yên Bái, gắn với tuyến Hà Nội - Lào Cai; tuyến đường sắt nội vùng Thủ đô Hà Nội.

Về đường thủy, Thái Nguyên sẽ đầu tư tuyến sông Cầu đi Thái Bình, tuyến từ cụm cảng Đa Phúc.

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên, trong giai đoạn 2021 - 2030, dự tính tổng vốn xây dựng cầu, đường giao thông, bao gồm cả xây dựng mới và đầu tư nâng cấp, bảo trì khoảng 46.850 tỷ đồng, bình quân khoảng 4.685 tỷ đồng/năm. Trong đó, vốn đầu tư cho cao tốc, quốc lộ là 23.391 tỷ đồng; vốn đầu tư cho đường tỉnh, đường trọng điểm là 23.459 tỷ đồng. Xác định đầu tư hạ tầng giao thông là “kim chỉ nam” dẫn lối phát triển, Thái Nguyên dự kiến sẽ huy động nhiều nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ theo Quy hoạch.

Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển hạ tầng, ngoài vốn đầu tư công, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, vốn từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh, vốn vay được bảo đảm bằng tài sản của Nhà nước, vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước, nguồn thu từ giá trị quyền sử dụng đất, Thái Nguyên cần phải thu hút nguồn lực lớn từ khu vực tư nhân.

Hy vọng, với điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, nhiều đổi mới trong chiến lược và chính sách thu hút đầu tư, Thái Nguyên sẽ huy động tổng lực để đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, toàn diện và hiện đại, làm “bệ phóng” cho địa phương bứt phá trong trung và dài hạn.

Tin cùng chuyên mục