Các khoản phải thu ngắn hạn của HAGL Agrico đạt 3.223 tỷ đồng, trong đó, phải thu ngắn hạn từ Công ty mẹ là HAGL và các công ty liên quan chiếm tới 45% |
Theo báo cáo, số lượng cổ phiếu đăng ký chào bán là 149,7 triệu cổ phần, gồm 30 triệu cổ phiếu riêng lẻ và 119,7 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ để hoán đổi các khoản nợ. Với giá bán bằng với mệnh giá là 10.000 đồng/CP, HAGL Agrico chỉ bán được cổ phiếu để hoán đổi các khoản nợ.
30 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ bị “ế”
Cụ thể, HAGL Agrico đã chào bán thành công cổ phiếu để hoán đổi các khoản nợ cho 4 nhà đầu tư, gồm có Công ty CP Hưng Thắng Lợi Gia Lai (nhận phân phối 50 triệu cổ phiếu) và 3 cá nhân là Nguyễn Thanh Quang, Nguyễn Mạnh Hùng và Vũ Thị Thúy Hương chia đều số lượng còn lại là 69,7 triệu cổ phiếu. Còn lại 30 triệu cổ phần chào bán riêng lẻ đã không phát hành thành công. Vì không thu được tiền từ đợt chào bán riêng lẻ hoán đổi nợ mà HAGL Agrico vẫn phải chi gần 856 triệu đồng cho các chi phí liên quan nên tổng thu ròng từ đợt chào bán là âm gần 856 triệu đồng.
Theo như nghị quyết về việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ trước đó, 30 triệu cổ phần này được dự kiến phân phối cho 5 cá nhân, gồm Trần Tiến Thành (10 triệu cổ phần), Nguyễn Hoàng Vũ (5 triệu cổ phần), Nguyễn Thế Nghĩa (5 triệu cổ phần), Nguyễn Trung Thành (5 triệu cổ phần), Nguyễn Cảnh Phúc (5 triệu cổ phần). Trước đợt chào bán, cả 5 nhà đầu tư cá nhân trên đều không sở hữu cổ phần HAGL Agrico.
Việc 5 cá nhân này “thờ ơ” trong việc mua cổ phiếu HNG phần nào được lý giải do diễn biến bất lợi của cổ phiếu này trong khoảng thời gian thực hiện chào bán. Từ 7/12/2017 - 5/3/2018, cổ phiếu HNG đã mất 38% thị giá, từ mức 10.100 đồng/CP xuống còn 6.520 đồng/CP.
Thứ nữa, việc từ chối thực hiện quyền mua cũng ít nhiều phản ánh tâm lý thiếu kỳ vọng của họ về việc cổ phiếu HNG có thể vượt lên trên mệnh giá trong thời gian tới.
Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của HAGL Agrico tăng từ 7.671 tỷ đồng lên 8.868 tỷ đồng. Điều đó đồng nghĩa số lượng cổ phần có quyền biểu quyết đang lưu hành sẽ tăng thêm 119,7 triệu cổ phiếu dẫn đến pha loãng thu nhập trên một cổ phần (EPS) của các cổ đông hiện tại và cơ cấu cổ đông cũng sẽ bị pha loãng.
Áp lực vốn lưu động
Theo giới chuyên gia, vấn đề mà HAGL Agrico cần quan tâm trong thời gian tới là nguồn vốn lưu động. Bởi lẽ, việc phát hành cổ phiếu hoán đổi các khoản nợ có thể chỉ là động tác mang nhiều ý nghĩa kỹ thuật, giúp giảm nợ vay và tăng vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán. Còn thành công từ việc phát hành 30 triệu cổ phiếu riêng lẻ mới mang lại “tiền tươi thóc thật” cho Công ty. Báo cáo trước đó cho biết, nếu phát hành thành công, HAGL Agrico sẽ sử dụng 300 tỷ đồng thu được để thanh toán các nghĩa vụ tài chính và bổ sung vốn lưu động của Công ty trong năm 2018.
Tại thời điểm cuối năm 2017, tổng nợ ngắn hạn của HAGL Agrico là 6.042 tỷ đồng. Sau khi hoán đổi thành công 1.197 tỷ đồng nợ vay thành vốn chủ sở hữu, thì nợ phải trả ngắn hạn của HAGL Agrico chỉ còn 4.845 tỷ đồng, trong khi đó tài sản ngắn hạn là 4.411 tỷ đồng. Điều này sẽ gây áp lực lớn về vốn lưu động của Công ty trong hoạt động kinh doanh.
Trong khi đó, tính thanh khoản của tài sản ngắn hạn cũng bị đặt ra những dấu hỏi. Cụ thể, trong tài sản ngắn hạn, tiền và các khoản tương đương tiền của HAGL Agrico chỉ vỏn vẹn 53 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 311 tỷ đồng đầu năm mặc dù báo cáo lợi nhuận sau thuế gần 918,5 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn đạt 3.223 tỷ đồng, chiếm 73% tổng tài sản. Trong đó, phải thu ngắn hạn từ Công ty mẹ là Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai và các công ty liên quan chiếm tới 45%. Tuy nhiên, điều đáng nói là các doanh nghiệp này cũng vẫn trong thời kỳ “khốn khó”.