Kiểm tra hiện trường một số gói thầu đang thi công tại Hải Dương cho thấy không có chỉ huy trưởng công trường tại thời điểm kiểm tra. Ảnh: Tiên Giang |
Nhiều vấn đề nổi cộm trong quyết định đầu tư
Qua kiểm tra thực tế một số dự án sử dụng nguồn vốn nhà nước tại Hải Dương, Bộ KH&ĐT cho biết, hầu hết các quyết định đầu tư dự án có cấu phần xây dựng đều không nêu căn cứ pháp lý cao nhất là Luật Xây dựng, các nghị định hướng dẫn và các quy hoạch liên quan. Bên cạnh đó, các quyết định đầu tư dự án cũng không nêu cơ cấu nguồn vốn cụ thể; không ghi rõ việc thiết kế dự án được thực hiện theo mấy bước để làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo.
Thông báo kết quả kiểm tra của Bộ KH&ĐT cũng cho biết, hầu hết các dự án trong danh sách kiểm tra không có Báo cáo thẩm định, chỉ có Tờ trình đề nghị phê duyệt dự án. Sở KH&ĐT Hải Dương có giải trình tại Tờ trình đề nghị phê duyệt dự án có các nội dung thẩm định thay cho Báo cáo thẩm định dự án. Tuy nhiên, qua xem xét Tờ trình đề nghị phê duyệt dự án thì nội dung trong Tờ trình chưa đáp ứng yêu cầu về các nội dung thẩm định theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP.
Trong khi đó, năng lực của một số tư vấn khảo sát và lập dự án đầu tư ở Hải Dương còn hạn chế, dẫn đến dự án phải điều chỉnh khá nhiều. Điển hình cho việc dự án phải điều chỉnh nhiều lần là hàng loạt dự án: Đường tránh thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành; Xây dựng hệ thống thoát nước xã Lai Vu; Cầu Lộ Cương và đường 62m giai đoạn 1; Cầu Hàn và đường hai đầu cầu; Tu bổ, tôn tạo di tích Đền Kiếp Bạc, thị xã Chí Linh; Nâng cấp tuyến đê tả sông Thái Bình, huyện Thanh Hà; Nâng cấp tuyến đê hữu Kinh Thầy, hữu Lai Vu, huyện Nam Sách và TP. Hải Dương…
Trong quá trình thanh, kiểm tra, một số chủ đầu tư ở Hải Dương chưa cung cấp được cho Đoàn thanh, kiểm tra các tài liệu liên quan đến công tác khảo sát và lập dự án đầu tư. Điển hình là Dự án Nâng cấp tuyến đê tả sông Thái Bình, huyện Thanh Hà chưa cung cấp được nhật ký gói khảo sát địa chất và các biên bản nghiệm thu; Dự án Đường tránh thị trấn Phú Thái giai đoạn II chưa cung cấp được nhật ký khảo sát và năng lực giám sát khảo sát của chủ đầu tư.
Dự án được thiết kế có suất đầu tư cao
Bên cạnh đó, năng lực của một số Trưởng ban quản lý dự án (QLDA) cũng như một số cán bộ của Ban chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Điều 36 và Điều 43 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP. Đơn cử như Ban QLDA thị xã Chí Linh; Ban QLDA Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương; Ban QLDA huyện Cẩm Giàng.
Qua thực tế kiểm tra, Bộ KH&ĐT khẳng định, việc quản lý thực hiện một số dự án ở Hải Dương chưa tốt dẫn tới phải điều chỉnh dự án, trong đó có điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần. Bộ KH&ĐT cũng lưu ý, một số dự án ở Hải Dương điều chỉnh trong giai đoạn từ năm 2010 - 2014 khi Luật số 38/QH12 và Nghị định 85/2009/NĐ-CP có hiệu lực nên cần xem xét cụ thể khi quyết định điều chỉnh dự án cho phù hợp với quy định của pháp luật. Dẫn chứng là các dự án: Cầu Hàn, Tu bổ tôn tạo di tích Đền Kiếp Bạc, Hệ thống thoát nước xã Lai Vu, Đường tránh thị trấn Phú Thái…
Kiểm tra tại hiện trường một số gói thầu đang thi công ở Hải Dương cũng cho thấy, không có biển hiệu ghi thông tin dự án, không có bảo hộ lao động cho công nhân, không có chỉ huy trưởng công trường tại thời điểm kiểm tra… Tiêu biểu là Dự án Cải tạo Kênh T2 đoạn từ ngã tư Máy Sứ đến đường Mai Hắc Đế TP. Hải Dương; Dự án Xây dựng trạm bơm Đò Hàn.
Ngoài ra, tại một số dự án ở Hải Dương có tình trạng quyết toán chậm, kéo dài thời gian quyết toán do các thủ tục liên quan tới nhà tài trợ. Một số dự án nhóm B kéo dài thời gian thực hiện đến 10 năm như: Dự án Chống sạt lở, ổn định lòng dẫn sông Thái Bình khu vực TP. Hải Dương (2006 - 2016); Dự án Chống sạt lở, tăng cường khả năng chống lũ cho hệ thống đê huyện Kim Thành (2010 - 2020); Dự án Nâng cấp tuyến đê tả sông Thái Bình, huyện Thanh Hà (2010 - 2020). Bộ KH&ĐT khẳng định, việc một số dự án nhóm B của Hải Dương kéo dài thời gian thực hiện 10 năm là chưa tuân thủ quy định tại Điều 13 Nghị định số 77/2015/NĐ-CP về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm.