Hài hòa cơ cấu xuất nhập khẩu để cân đối cán cân thương mại

(BĐT) - Sau 3 năm liên tục xuất siêu, năm 2015, cán cân thương mại lại đảo chiều quay về tình trạng nhập siêu. Điều này đòi hỏi cần có sự điều chỉnh một cách hài hòa về cơ cấu cũng như quan hệ giữa hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu để giúp cân bằng cán cân thương mại một cách bền vững.
 
Năm 2015, DN trong nước đã nhập siêu tới 10,32 tỷ USD trong khi DN có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 17,1 tỷ USD (Ảnh Internet)
Năm 2015, DN trong nước đã nhập siêu tới 10,32 tỷ USD trong khi DN có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 17,1 tỷ USD (Ảnh Internet)

Còn nhiều điểm yếu cố hữu trong hoạt động nhập khẩu

Con số nhập siêu trên 3,1 tỷ USD tuy vẫn nằm trong giới hạn cho phép dưới 5% kim ngạch xuất khẩu theo mục tiêu Quốc hội đặt ra, song nhìn nhận một cách khách quan, bên cạnh tác động từ sự suy giảm của thị trường thế giới về nhu cầu và giá cả thì vấn đề quan trọng đặt ra là hoạt động xuất và nhập khẩu hiện nay đang bộc lộ nhiều tồn tại từ sự yếu kém của khu vực doanh nghiệp (DN) trong nước cũng như việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung nguyên liệu.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 162,4 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2014, trong khi kim ngạch nhập khẩu lên tới 165,6 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2014. Hoạt động xuất khẩu suy giảm do chịu tác động từ sự mất giá của dầu thô trên thị trường quốc tế cùng sự sụt giảm nhu cầu và giá cả của nhóm hàng nông lâm sản trên thị trường thế giới. Ngược lại, nền kinh tế trong nước năm 2015 đã chứng kiến sự hồi phục ngoạn mục với mức tăng trưởng 6,68% kéo theo nhu cầu gia tăng sản xuất của phần lớn các DN nên nhu cầu nhập khẩu lượng lớn nguyên vật liệu cũng tăng mạnh, khiến cán cân thương mại lại quay trở về tình trạng nhập siêu.

Số liệu thống kê của Bộ Công Thương năm 2015 cũng cho thấy một bức tranh  không hề mới trong nhiều năm gần đây, đó là khu vực DN trong nước đã nhập siêu tới 10,32 tỷ USD trong khi DN có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 17,1 tỷ USD. Thực tế này cho thấy sự yếu kém của khu vực kinh tế trong nước từ bấy lâu nay vẫn tiếp tục lặp lại trong năm 2015 là những tồn tại dai dẳng chưa có giải pháp khắc phục.

Năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 162,4 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2014, trong khi kim ngạch nhập khẩu lên tới 165,6 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2014.

Cơ cấu thị trường nhập khẩu cũng nổi lên nhiều vấn đề. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện Việt Nam vẫn duy trì nhập khẩu từ các đối tác truyền thống, chủ yếu ở khu vực Đông Á, Đông Nam Á để tận dụng lợi thế về chi phí vận chuyển và giá bán của khu vực này vẫn tương đối thấp hơn. Đặc biệt, theo số liệu thống kê, năm 2015, Việt Nam đã nhập siêu tới 32,3 tỷ USD giá trị hàng hóa trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, tăng 12,5% so với năm ngoái. Điều này cho thấy, hoạt động sản xuất hầu như vẫn phụ thuộc quá lớn vào khu vực thị trường này, dẫn tới gia tăng tình trạng nhập siêu với một khu vực thị trường, gây bất lợi và mất tính chủ động về nguồn cung nguyên, vật liệu đầu vào cho sản xuất trong nước. 

Hài hòa cơ cấu xuất nhập khẩu để cân bằng cán cân thương mại

Để khắc phục tình trạng này, theo khuyến nghị của các chuyên gia, năm 2016 các cơ quan quản lý cần quan tâm, chủ động hướng DN thực hiện xuất nhập khẩu một cách hợp lý, lành mạnh. Theo đó, về xuất khẩu cần bám sát các tín hiệu, diễn biến trên thị trường quốc tế, đặc biệt là phát huy thế mạnh về sản xuất một số mặt hàng xuất khẩu như dệt may, da giày, đồ gỗ, linh kiện điện tử, điện thoại và linh kiện, thủy sản.

Các chuyên gia khuyến nghị, DN cần tìm hiểu, nắm rõ quy định, nhất là về thuế suất ưu đãi đối với hàng Việt Nam xuất khẩu sang các nước đã ký, thực thi hiệp định thương mại tự do (FTA) để tận dụng tối đa quyền lợi được cắt, giảm thuế theo cam kết. Đây là diễn biến mới, rất quan trọng và có ý nghĩa thiết thực đối với DN xuất khẩu trong nước. Theo dự báo của Bộ Công Thương, nếu tận dụng tốt các cơ hội mang lại thì kết quả xuất khẩu vào các thị trường đã ký FTA với Việt Nam như Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á-Âu, Cộng đồng Kinh tế ASEAN hoặc TPP có thể tăng khá mạnh trong năm 2016 cũng như tương lai gần, ước tính kim ngạch xuất khẩu có thể tăng thêm 5 tỷ USD so với kịch bản trước đây khi chưa có các FTA.

Về nhập khẩu, theo khuyến nghị, cần tăng cường kiểm soát, rà soát cơ cấu mặt hàng nhập khẩu ngay từ đầu năm, qua đó xác định ưu tiên hoạt động nhập khẩu cho mục đích nhập nguyên, phụ liệu, vật tư phục vụ sản xuất trong nước; đặc biệt là đối với nguyên liệu đầu vào để làm hàng xuất khẩu, đồng thời quản lý chặt chẽ để giảm bớt giá trị nhập khẩu ô tô và một số mặt hàng tiêu dùng xa xỉ.

Về phần mình, Bộ Công Thương cũng đã đưa ra một số giải pháp cụ thể để kiểm soát nhập khẩu như chủ động điều chỉnh nhịp độ tăng trưởng nhập khẩu kết hợp kiểm soát chặt việc nhập khẩu các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu; tiếp tục hướng mạnh đa dạng hóa thị trường nhập khẩu để giảm sự phụ thuộc vào một hoặc một số khu vực thị trường; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm nhập khẩu và xây dựng các cơ chế tăng cường các biện pháp phòng vệ nhằm kiểm soát nhập khẩu nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ đúng các cam kết theo các FTA đã ký kết.

Tin cùng chuyên mục