Tại các trung tâm thương mại, lưu lượng khách đến mua sắm giảm xấp xỉ 80%. Ảnh: Internet |
Bà Đặng Phương Hằng, Tổng giám đốc Điều hành CBRE (Việt Nam) cho biết, gần như toàn bộ các dự án trên địa bàn TP.HCM đã áp dụng mức giảm giá thuê mặt bằng trung bình 10 - 30% cho các ngành hàng khác nhau từ giữa tháng 3/2020, một số ít từ tháng 2/2020 và cao nhất là miễn phí giá thuê cho ngành hàng buộc phải đóng cửa.
Đến thời điểm cuối quý I/2020, giá thuê tầng trệt và tầng một khu vực trung tâm giảm 11,4% so với quý trước và giá thuê tại khu ngoài trung tâm giảm 15,9% so với quý trước. Mức giảm này cao hơn cho các vị trí ở tầng trên.
So với cùng kỳ năm trước, giá thuê khu trung tâm giảm 6,6% và giá thuê khu ngoài trung tâm giảm 17,6%. Tuy hiện có một vài thương hiệu tại trung tâm thương mại đóng cửa tạm thời nhưng chưa trả mặt bằng thuê nên tỷ lệ trống vẫn giữ mức ổn định so với quý trước. Tại khu trung tâm, tỷ lệ trống không thay đổi và khu ngoài trung tâm, tỷ lệ trống tăng nhẹ 0,9 điểm phần trăm.
Theo dự báo của CBRE (Việt Nam), nếu dịch bệnh được kiểm soát trong quý II/2020 (kịch bản 1), nhiều khả năng tỷ lệ trống tại khu trung tâm sẽ được giữ ổn định đến cuối năm và tỷ lệ trống tại khu ngoài trung tâm có thể tăng nhẹ 1 - 2 điểm phần trăm.
Xét về mức giá thuê trung bình tầng trệt và tầng một vào thời điểm cuối năm, mức giá thuê tại khu trung tâm có thể hồi phục lại mức trước dịch, và mức giá ngoài trung tâm có thể phục hồi về mức thấp hơn 5% so với mặt bằng năm ngoái.
Trường hợp dịch bệnh kéo dài tới tháng 9/2020 (kịch bản 2), tỷ lệ trống sẽ tăng cả ở khu trung tâm và ngoài trung tâm. Trong đó, tỷ lệ trống tại khu ngoài trung tâm sẽ tăng mạnh hơn, từ 5 - 7 điểm phần trăm so với mức trước dịch.
Giá thuê trung bình tầng trệt và tầng một tại các dự án ngoài trung tâm có thể phục hồi nhẹ về mức thấp hơn 10% so với mặt bằng năm ngoái, trong khi mức giá khu trung tâm vẫn có khả năng phục hồi lại mức trước dịch.
Đối với giá thuê các tầng khác, nhiều khả năng chủ đầu tư sẽ giữ mức giá ưu đãi hiện tại là 30% cho đến hết năm nay hoặc cho phép trả chậm nhằm giữ chân khách thuê.
Tại TP.HCM, nếu dịch bệnh không được kiểm soát trong quý II/2020, nguồn cung mới 2020 có thể chỉ còn bằng 20% con số dự đoán vào cuối năm 2019 (152.000 m2), một số dự án đã hoàn công và đang cho thuê có thể buộc phải dời ngày khai trương.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE (Việt Nam) cho hay, mặc dù trì hoãn khai trương làm giảm nguồn cung mới trong năm 2020, hiện thị trường vẫn có 400.000 m2 mặt bằng bán lẻ đang xây dựng hoặc lên kế hoạch phát triển trong 3 năm tới, tập trung tại các khu vực khác nhau của Thành phố.
Việc tuyến tàu điện ngầm số 1 tái khởi động và tuyến số 2, số 5 đang lên kế hoạch triển khai sẽ ảnh hưởng tích cực đến việc hình thành các cụm bán lẻ mới mà tiêu biểu là khu Đông, bao gồm Khu đô thị mới Thủ Thiêm.