Các chuyên gia cảnh báo, kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức để duy trì tốc độ tăng trưởng cao đã đạt được trong 2 năm qua. Ảnh: Nhã Chi |
Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế
Tại Tọa đàm khoa học “Triển vọng kinh tế Việt Nam 2020” do NCIF tổ chức cuối tuần qua, NCIF đánh giá, triển vọng năm 2020 của kinh tế thế giới cho thấy tăng trưởng của các đầu tàu kinh tế thế giới có xu hướng giảm. Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2020, kịch bản cơ sở được NCIF đưa ra với tốc độ tăng trưởng GDP là 7,01%, lạm phát ở mức 3,5%.
Ông Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc NCIF cho rằng, kịch bản tăng trưởng 7,01% là xu hướng tích cực, nhiều khả năng xảy ra trong năm 2020. NCIF đưa ra kịch bản này dựa trên những nỗ lực của Chính phủ trong việc hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Nỗ lực này thể hiện ở đầu tư công sẽ được khai thông mạnh mẽ, các dự án đầu tư khác sẽ tiếp tục được tạo thuận lợi để triển khai nhanh nhất.
Việc ổn định mặt bằng lãi suất, lạm phát; điều hành linh hoạt và kiểm soát tốt biến động về tỷ giá sẽ được tiếp tục thực hiện trong năm 2020 để đảm bảo khơi thông các nguồn lực cho đầu tư.
Tuy nhiên, NCIF vẫn đưa ra kịch bản thấp cho tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng được dự báo là 6,76%, lạm phát 3,2%. Kịch bản này dựa trên những lo ngại sự bất định của kinh tế thế giới sẽ tác động xấu tới kinh tế Việt Nam. Ở trong nước, có 2 yếu tố đáng lưu tâm là tác động của biến đổi khí hậu và dịch bệnh. Trong năm 2019, những tác động của 2 yếu tố này đã kéo tăng trưởng của khu vực nông, lâm, ngư nghiệp xuống 4%. Đây là yếu tố được cảnh báo sẽ ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng năm 2020.
Ở kịch bản thấp, nguyên nhân có thể đến từ việc tăng trưởng của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và phát triển của khu vực tư nhân không bù đắp được sự sụt giảm của công nghiệp, trong đó quan trọng nhất là sự sụt giảm của công nghiệp chế biến chế tạo. Sự sụt giảm của công nghiệp chế biến chế tạo có thể đến từ 2 phía, một là xuất khẩu gặp khó khăn, hai là tăng trưởng của khu vực FDI đã đạt ngưỡng, chưa có sự bứt phá.
Nhiều yếu tố tác động tới tăng trưởng
Theo ông Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, vấn đề hạn hán trong năm 2019 diễn ra khắc nghiệt hơn bởi vấn đề xâm nhập mặn do thiếu nguồn nước từ sông Mê Kông và sự thiếu hụt nước trầm trọng ở hệ thống sông Hồng và sông Đà. Việc thiếu nước trên phạm vi toàn quốc sẽ là một trong những yếu tố cần phải được đánh giá kỹ lưỡng và đưa ra những cảnh báo sớm về những tác động tới kinh tế Việt Nam trong năm 2020.
Nếu Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được các nước thành viên thông qua trong năm 2020 sẽ kích hoạt tốt cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, ông Sang cảnh báo, đừng kỳ vọng quá lớn ở EVFTA bởi hiệp định này có thể tác động tốt cho Việt Nam về thương mại, còn phần đầu tư thì không nên kỳ vọng quá lớn. Dẫn chứng cho nhận định này, ông Sang cho biết, Singapore và EU đã ký kết FTA từ năm 2014 nhưng hiệp định mới có hiệu lực từ năm 2019 với vấn đề thương mại, còn vấn đề bảo hộ đầu tư vẫn chưa được 2 bên đàm phán xong (bởi việc bảo hộ đầu tư đòi hỏi quy trình đàm phán với 28 nước thành viên của EU).
Ông Nguyễn Minh Cường, Trưởng ban Chương trình quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á quan tâm tới điểm nghẽn về hạ tầng của Việt Nam. Điểm nghẽn này được dự báo sẽ có tác động rất mạnh trong năm 2020, bởi với mức tăng trưởng từ 7% trở lên thì sự đáp ứng của hạ tầng, năng lượng, thể chế sẽ phải đặt lên một yêu cầu cao hơn.
Ông Cường phân tích, với tăng trưởng GDP 7% mà chi phí cho logistics/GDP là 15 - 20% là quá cao. Năm 2019 - 2020 cũng không ghi nhận được dự án năng lượng nào được triển khai, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu năng lượng trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung điện trầm trọng trong thời gian tới. Những điểm nghẽn này sẽ là thách thức không nhỏ cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 và xa hơn.