Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, chi phí tài chính của Hải Phát Invest là 296,1 tỷ đồng, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó 283,3 tỷ đồng là chi phí lãi vay. Ảnh: NC st |
Tính đến cuối quý III/2022, tổng nợ phải trả của Hải Phát Invest ở mức 6.651 tỷ đồng, chiếm 64,6% tổng tài sản. Trong đó nợ vay của Công ty là 4.754 tỷ đồng, tăng thêm khoảng 62 tỷ đồng (tương đương 1,32%) so với thời điểm đầu năm. Tỷ lệ nợ vay trên tổng tài sản của Hải Phát Invest lên tới 0,462 lần, cao hơn nhiều mức bình quân 0,22 lần của 10 doanh nghiệp bất động sản lớn đang niêm yết trên sàn chứng khoán như Vinhomes (0,117 lần), Vovaland (0,27 lần), Khang Điền (0,33 lần)…
Trong 9 tháng đầu năm 2022, chi phí tài chính của Hải Phát Invest là 296,1 tỷ đồng, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó 283,3 tỷ đồng là chi phí lãi vay. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sau thuế của Công ty giảm tới 35% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 123 tỷ đồng dù doanh thu tăng tới 30% lên 1.307,7 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp của Hải Phát được cải thiện ở mức 40,2% so với con số 34,7% của cùng kỳ năm ngoái.
Kinh doanh có lợi nhuận nhưng dòng tiền kinh doanh lại âm 146,4 tỷ đồng. Tình trạng này cũng diễn ra trong năm 2021 và 2020 với các con số lần lượt âm 2.980 tỷ đồng và âm 734,9 tỷ đồng. Dòng tiền kinh doanh được ví như “mạch máu” trong cơ thể doanh nghiệp, phản ánh chất lượng doanh thu, lợi nhuận thực tế. Dòng tiền chỉ ra được tiền đi đâu về đâu, tại sao cả năm làm ăn có lãi mà trong năm doanh nghiệp thường xuyên thiếu tiền?
Nếu dòng tiền từ hoạt động kinh doanh nhiều năm liên tục âm sẽ cho thấy những rủi ro lớn đến khả năng thanh toán lãi vay, các khoản nợ vay ngắn hạn hay nợ dài hạn đến hạn trong kỳ. Việc thiếu tiền cũng sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc chủ động đầu tư mở rộng sản xuất, ít nhiều ảnh hưởng đến khả năng phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Tại Hải Phát Invest, nhiều khoản nợ trái chủ đã không được thanh toán đúng hạn và phải áp dụng giải pháp gia hạn. Cụ thể, lô trái phiếu 300 tỷ đồng phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân và tổ chức đáo hạn vào cuối năm 2021. Nhưng Hải Phát Invest đã có thỏa thuận gia hạn đáo hạn lô trái phiếu này thêm 2 năm nữa, vào ngày 31/12/2024.
Bên cạnh đó Công ty cũng gia hạn lô trái phiếu 350 tỷ đồng kỳ hạn 12 tháng do Công ty CP Chứng khoán Navibank làm đơn vị tư vấn theo hợp đồng ngày 11/1/2022, đến ngày 12/1/2024; gia hạn lô trái phiếu 450 tỷ đồng cũng do Chứng khoán Navibank làm đơn vị tư vấn theo hợp đồng ngày 21/12/2021, đến ngày 24/12/2023.
Báo cáo tài chính không thuyết minh chi tiết ngày đáo hạn cụ thể 2 khối nợ trên. Tuy nhiên, theo kết quả phát hành trái phiếu được Hải Phát Invest công bố trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), lô trái phiếu 350 tỷ đồng có ngày đáo hạn ban đầu vào 12/1/2023, còn lô trái phiếu 450 tỷ đồng có ngày đáo hạn ban đầu 24/12/2022.
Vào ngày 8/3/2022, Hải Phát cũng phát sinh khoản vay có thời hạn không quá 6 tháng tại Vietinbank cho mục đích thanh toán lương, thưởng.
Trong bối cảnh ngành bất động sản đang đối mặt với nhiều thách thức do sự thắt chặt các khoản vay ngân hàng và lãi suất tăng cao, các khoản nợ vay đang và sẽ tiếp tục là gánh nặng ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Nếu không sớm tìm được nguồn tiền chủ động với chi phí thấp, mục tiêu kinh doanh 2022 cùng khát vọng “tăng tốc và bứt phá” mà Chủ tịch HĐQT Hải Phát Invest, ông Đỗ Quý Hải công bố với các nhà đầu tư sẽ trở nên xa vời. Làm thế nào để Hải Phát Invest trả nợ gốc, giảm lãi vay là bài toán chưa rõ đáp án. Đây cũng là yếu tố khiến cổ phiếu của doanh nghiệp này trải qua 17 phiên giảm liên tiếp, tính đến ngày 30/11 vừa qua.