Tại thời điểm cuối năm 2019, tổng các khoản vay nợ tài chính của Công ty CP Đầu tư Hải Phát ở mức 2.011 tỷ đồng. Ảnh: Minh Minh |
M&A mạnh mẽ
Thông điệp mà Hải Phát Invest phát đi liên tục kể từ khi lên sàn chứng khoán đến nay là tăng cường hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) để trở thành tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam với các thương hiệu bất động sản đô thị, bất động sản du lịch.
Năm 2019, Hải Phát Invest đã tăng số lượng công ty con từ 3 đơn vị lên 7 đơn vị. Cụ thể, Công ty thoái vốn tại công ty con là Công ty CP Địa ốc Bình Minh và tăng tỷ lệ sở hữu tại 5 công ty khác, bao gồm: Công ty TNHH MTV Hải Phát - Bình Thuận (sở hữu 100% vốn), Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Hải Phát (sở hữu 95,8% vốn), Công ty CP Khách sạn và Nghỉ dưỡng IWG (sở hữu 50,5% vốn), Công ty TNHH MTV Hải Phát - Phú Yên (sở hữu 100% vốn) và Công ty CP Dịch vụ đô thị PSP (sở hữu 77% vốn).
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019, các khoản đầu tư tài chính vào công ty liên doanh, liên kết và các đơn vị khác của Hải Phát Invest tăng từ 1.799 tỷ đồng vào đầu năm 2019 lên 3.076 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm.
Ngày 20/3 vừa qua, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã đưa toàn bộ 17,56 triệu cổ phần Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) ra đấu giá trọn lô với giá khởi điểm 19.300 đồng/CP, tương ứng gần 339 tỷ đồng cho cả lô. Đã có 2 nhà đầu tư trúng đấu giá, tuy nhiên danh tính không được lộ diện.
Trước thời điểm đấu giá, ngoài SCIC, danh sách cổ đông lớn của Cienco 5 còn có Hải Phát Invest đang sở hữu hơn 16,9 triệu cổ phần, tương đương 38,68% vốn và Công ty CP Đầu tư Hải Phát Thủ đô sở hữu hơn 6,8 triệu cổ phiếu, tương đương 15,5% vốn của Cienco 5. Hải Phát Invest sở hữu 60% vốn tại Hải Phát Thủ Đô.
Ngay từ giữa năm 2018, Hải Phát Invest đã tuyên bố sẽ mua thêm 40% tại mỗi công ty (Cienco 5 và Hải Phát Thủ đô) để nâng sở hữu trực tiếp và gián tiếp lên 100% tại Hải Phát Thủ Đô và Cienco 5.
Dòng tiền âm, gánh nặng lãi vay gia tăng
Doanh thu từ hoạt động tài chính của Hải Phát Invest trong năm 2019 đạt 477 tỷ đồng, tăng 94% so với năm trước nhờ chuyển nhượng các khoản đầu tư. Song, Hải Phát Invest đang phải đối mặt với những bất cập khác từ hoạt động kinh doanh. Cụ thể, năm 2019, chi phí tài chính của Công ty ở mức 130,8 tỷ đồng, tăng gấp 11 lần so với năm 2018. Trong đó, chi phí lãi vay chiếm hơn 114 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2019, tổng các khoản vay nợ tài chính của Hải Phát Invest ở mức 2.011 tỷ đồng. Đáng chú ý, có đến gần 1.700 tỷ đồng trong số này đến từ phát hành trái phiếu. Trong đó, trái chủ lớn nhất là Ngân hàng TNHH Indovina khi nắm giữ 500 tỷ đồng trái phiếu của Công ty.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019 cho thấy, tiền thu được từ đi vay đạt 721 tỷ đồng, trong khi chi trả nợ gốc vay lại lên tới 955 tỷ đồng, khiến lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính của Hải Phát Invest âm 233,5 tỷ đồng. Ngoài ra, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 20,5 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2019, Hải Phát Invest đạt 3.442 tỷ đồng doanh thu thuần và 451,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, thấp hơn so với kế hoạch cả năm (4.294 tỷ đồng doanh thu thuần và 720 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế).
Ngày 30/3 tới, Công ty sẽ chốt danh sách cổ đông phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2018 với tỷ lệ 15%. Như vậy, Công ty sẽ phát hành gần 30 triệu cổ phiếu mới, qua đó, nâng vốn điều lệ từ 1.999 tỷ đồng lên 2.299 tỷ đồng.
Nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho các dự án, Hải Phát Invest sẽ phải tiếp tục đi huy động các dòng vốn bên ngoài, tuy vậy, điều này sẽ ngày càng khó khăn hơn khi thị trường chứng khoán không mấy thuận lợi và thị trường trái phiếu sẽ được quản lý chặt chẽ hơn.