Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc tại Hải Phòng. Ảnh VGP |
Buổi làm việc có sự tham dự của đại diện hàng trăm doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), lãnh đạo Thành phố và các sở, ban ngành của Hải Phòng.
Để FDI và doanh nghiệp trong nước cùng mạnh lên
Tới nay Hải Phòng đã thu hút 18 tỷ USD đầu tư nước ngoài, đóng góp tới 35% tổng đầu tư toàn xã hội, hơn 50% thu ngân sách của Thành phố trong khối doanh nghiệp. Trong khi đó, tính bình quân cả nước FDI đóng góp 13,6% thu ngân sách, 20% GDP nhưng chiếm tới 70% giá trị xuất khẩu hàng hoá của cả nước. Hải Phòng nổi lên như một điển hình về thu hút và sử dụng FDI tại Việt Nam.
Tuy nhiên, để hoàn thiện Đề án, Phó Thủ tướng đặt vấn đề với Hải Phòng: “Có ý kiến cho rằng chính sách ưu đãi quá mức với đầu tư FDI, còn ưu đãi với doanh nghiệp trong nước chưa tương xứng, có sự lệch pha trong phát triển giữa FDI và doanh nghiệp trong nước, gây rủi ro còn 2 nền kinh tế trong một quốc gia, không kết nối được với nhau. Bây giờ xử lý việc này như thế nào trên tinh thần cả 2 khối cùng mạnh lên chứ không phải kéo khối này xuống để nâng khối kia lên?”
Lựa chọn doanh nghiệp FDI có công nghệ cao, phục vụ sản xuất
Đại diện Cục Thuế TP. Hải Phòng cho biết Thành phố có 521 doanh nghiệp FDI với 582 dự án hoạt động. Trong đó có 158 doanh nghiệp FDI hoạt động trong Khu Kinh tế Cát Hải có mức ưu đãi cao nhất của địa phương. Còn lại nằm ở các khu, cụm công nghiệp khác được hưởng ưu đãi thấp hơn. Nằm ngoài các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp thì có 246 doanh nghiệp FDI.
Năm 2018, khối FDI của Hải Phòng nộp ngân sách 3.965 tỷ đồng (vượt gần 2% dự toán), nhưng phần lớn là thuế nhà thầu của các doanh nghiệp đầu tư xây dựng Nhà máy Vinfast. “Nếu loại trừ thuế nhà thầu thì tăng trưởng thu thuế không tương xứng, không đáng kể so với quy mô hoạt động, nếu không muốn nói nhiều doanh nghiệp FDI lớn bị xụt giảm số thu”, Cục trưởng Cục Thuế Hải Phòng cho biết. Năm 2018, có 307/351 doanh nghiệp FDI chưa nộp thuế thu nhập doanh nghiệp vì đa phần đang hưởng ưu đãi hoặc lỗ.
Năm qua, Hải Phòng thanh tra, kiểm tra 148 doanh nghiệp FDI, truy thu xử phạt trên 104 tỷ đồng, giảm khấu trừ 108 tỷ đồng, giảm lỗ 336 tỷ đồng. Trong chống chuyển giá, ngành thuế Hải Phòng đã thực hiện ở 7 doanh nghiệp FDI, truy thu được trên 10,4 tỷ, giảm lỗ trên 75 tỷ. Cục Thuế Hải Phòng cho biết công tác thanh tra, kiểm tra, và chống chuyển giá vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bách Phái cho biết khối FDI đang sử dụng 142.000 lao động, chấp hành pháp luật lao động tốt hơn doanh nghiệp trong nước. Tiền lương khối FDI bình quân 8,1 triệu đồng/người/tháng, cao hơn tất cả các khối doanh nghiệp khác. Tỉ lệ đóng BHXH gần như hầu hết thực hiện tốt, nợ đọng BHXH thấp nhất so với các khu vực khác, số thu BHXH tăng 11% so với 2017, tỉ lệ lao động bắt buộc đóng BHXH đạt cao 34%, nhiều lao động có độ tuổi cao tới 45 tuổi vẫn làm việc tại khối FDI.
Ông Nguyễn Bách Phái cùng lãnh đạo UBND Thành phố cho rằng mục tiêu thu hút FDI là cần thiết, vừa thu hút doanh nghiệp có công nghệ cao, vừa thu hút doanh nghiệp FDI sử dụng nhiều lao động tại các vùng kém phát triển. Muốn vậy, cần nới rộng khoảng cách mức lương tối thiểu giữa các vùng (hiện nay khoảng cách này chỉ cách nhau 1,2 triệu đồng); chọn lọc thu hút FDI có công nghệ cao, phục vụ cho sản xuất và quy định chỉ tiêu việc làm cho lao động chất lượng cao của Việt Nam.