Hàn Quốc nhập khẩu từ Việt Nam các mặt hàng chủ yếu là may mặc và da giày, sản phẩm điện... Ảnh: LTT |
Nhiều lợi ích to lớn cho cả hai phía
Theo ông Lee Ho Dong, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, KVFTA là một hiệp định mang tính toàn diện, bao hàm các nội dung cam kết về tự do thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và các lĩnh vực kinh tế khác giữa hai quốc gia.
Sau khi có hiệu lực từ ngày 20/12/2015, KVFTA được kỳ vọng sẽ đem đến nhiều lợi ích to lớn cho cả hai bên, vì các thỏa thuận tự do hóa thương mại trong KVFTA dựa trên mặt bằng các cam kết trong FTA ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA), nhưng được mở rộng hơn.
Có thể khẳng định rằng, quan hệ hợp tác song phương Hàn Quốc - Việt Nam trong nhiều lĩnh vực ngày càng được thắt chặt kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào cuối năm 1992. Đặc biệt với KVFTA, về phía Hàn Quốc, theo thỏa thuận, Chính phủ nước này cam kết mở cửa thị trường cho 95,4% trên tổng số hơn 11.000 dòng thuế cho các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam, trong đó có các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủy sản, trái cây nhiệt đới, sản phẩm may mặc, sản phẩm đồ gỗ và sản phẩm cơ khí các loại. “Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để doanh nghiệp hai nước có thể vận dụng FTA”, ông Lee Ho Dong khẳng định.
Về phía Việt Nam, chúng ta cũng cam kết xóa bỏ thuế quan cho 89,9% các dòng thuế cho các sản phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc theo các lộ trình cắt giảm thuế trong vòng 15 năm được xây dựng trên nguyên tắc dành thời gian phù hợp để các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, và xem xét các nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng để hỗ trợ hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu.
Theo bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, việc cắt giảm thuế quan sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp đầu tư Hàn Quốc nhập khẩu nguyên liệu với chi phí thấp hơn, góp phần gia tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.
Hướng đến kim ngạch 70 tỷ USD vào năm 2020
Ông Roh Inho, Phó Chủ tịch Thương vụ Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc phụ trách khối ASEAN và châu Đại Dương cho biết, hiện cả hai quốc gia đều đang nỗ lực để đạt mục tiêu 70 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương vào năm 2020.
Riêng năm 2015, Hàn Quốc xuất khẩu 27,8 tỷ USD vào Việt Nam và nhập khẩu 9,8 tỷ USD hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc. Hàn Quốc chủ yếu xuất khẩu sang Việt Nam máy móc, thiết bị công nghiệp và nguyên phụ liệu sản xuất, như linh phụ kiện điện, điện tử, viễn thông, vải, hạt nhựa, sắt thép nguyên liệu, và nhập khẩu từ Việt Nam các mặt hàng chủ yếu là may mặc và da giày, sản phẩm điện, điện tử, viễn thông, thủy sản và đồ gỗ.
Theo thống kê, hiện Hàn Quốc đã vươn lên giữ vị trí cao nhất trong các quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Tính đến cuối năm 2015, có khoảng 5.000 dự án đầu tư của Hàn Quốc còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 45 tỷ USD. Đối với đầu tư ra nước ngoài của Hàn Quốc, Việt Nam hiện là điểm đến đầu tư hấp dẫn thứ ba sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ngoài ra, cho đến nay, Việt Nam là quốc gia được cấp vốn ODA nhiều nhất từ Chính phủ Hàn Quốc.
Bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương cho rằng, nguồn vốn đầu tư của Hàn Quốc có cơ cấu tương đối tích cực kể từ khi AKFTA có hiệu lực. Tuy nhiên, một vấn đề mang tính chiến lược cần được xem xét đó là định hướng của Hàn Quốc nhằm xây dựng các trung tâm sản xuất lớn trong khu vực và xu hướng chuyển hướng đầu tư sang các nước Đông Nam Á của doanh nghiệp Hàn Quốc.
Vẫn theo bà Bùi Thị Thanh An, VKFTA được dự báo sẽ mở ra cơ hội lớn trong việc thu hút đầu tư từ Hàn Quốc và tăng cao năng lực cạnh tranh thu hút vốn đầu tư của Việt Nam so với các nước khác trong khu vực.