Cầu Đông Trù. |
13km đườn làm gần 10 năm
Dự án đường 5 kéo dài là một trong những dự án trọng điểm của Hà Nội với mục đích chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (2010). Đây cũng là dự án thuộc nhóm A được kỳ vọng là giải quyết được mạng lưới giao thông Hà Nội, kết nối khu vực kinh tế, khu công nghiệp đô thị và giao thông liên tỉnh phía bắc. Theo quy hoạch chiều dài toàn tuyến là 13,136km với 3 cây cầu trên tuyến là cầu Đông Trù, cầu Đông Hội và cầu Phương Trạch. Tổng mức đầu tư được phê duyệt năm 2005 là 3532 tỉ đồng, thời gian thực hiện dự án từ 2005 đến 2008.
Thế nhưng trong quá trình thực hiện, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ thì “việc điều hành, tổ chức thực hiện của UBND TP. Hà Nội, huyện Đông Anh, quận Long Biên chưa quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng, thiếu đôn đốc chủ đầu tư để tiến độ kéo dài, chủ đầu tư BQL dự án Hạ tầng Tả Ngạn bộc lộ yếu kém về năng lực quản lý, các nhà thầu thiếu nghiêm túc trong việc thực hiện hợp đồng giao nhận thầu…
Hệ quả là các gói thầu được thực hiện một cách chắp vá và đứt đoạn, cụ thể năm 2005 khởi công được 2 gói thầu; năm 2006 triển khai 4 gói thầu, năm 2008 triển khai 2 gói thầu; các gói thầu còn lại phải tới năm... 2013 mới khởi động tiếp.
Theo kế hoạch, dự án chỉ cần 3 năm là hoàn thành, xong phải đến tháng…10.2014, tức là hơn 9 năm sau, con đường mới được thông xe toàn tuyến. Việc để tiến độ bị kéo dài gấp 2,5 lần tiến độ gốc đã khiến tổng mức đầu tư dự án bị đội lên từ 3.532 tỉ đồng - theo Quyết định phê duyệt dự án 1881/QĐ - UBND ngày 1.4.2005 lên 6.661,75 tỉ đồng theo Quyết định điều chỉnh dự án số 909/QĐ - UBND ngày 7.2.2013.
Theo đánh giá, một con đường dài hơn 13km nhưng đã “ngốn” ngân sách 6661,757 tỉ đồng là quá lãng phí và hiệu quả đầu tư thấp. Nói một cách khác, con đường ngoại thành Hà Nội đã được xếp vào một trong những con đường đắt nhất hành tinh khi để làm ra 1km, phải tốn trên 500 tỉ đồng.
“Bốc hơi” 77 tỉ đồng vì… tính nhầm
Trong quá trình làm việc, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện dự án đã chi trả cho các cá nhân, tổ chức số tiền sai quy định lên tới 77 tỉ đồng trong việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, khoản tiền 21,723 tỉ hỗ trợ cho Nhà máy Z133 là không đúng với Điều 17 Nghị định 197/2004NĐ-CP và khoản 5, Điều 15 Nghị quyết số 18/2008/QD-UBND ngày 29.9.2008 của UBND TP. Hà Nội về bồi thường hỗ trợ tái định cư. Tương tự việc bồi thường 10,507 tỉ cho T504 Bộ Quốc phòng cũng vi phạm Nghị định 60/2003NP và khoản bồi thường trên 6 tỉ cho UBND Thượng Thanh là trái với Nghị quyết số 108/2009/QD-UBND ngày 29.9.2009 của UBND TP. Hà Nội.
Đặc biệt trong việc hỗ trợ ổn định đời sống, nghề nghiệp cho các hộ dân bị thu hồi dưới 30% đất nông nghiệp 38,762 tỉ là sai với quy định, trong đó sai phạm về hỗ trợ ổn định đời sống là 22,517 tỉ (huyện Đông Anh là 15,581, quận Long Biên 6,935 tỉ), sai phạm về hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp là 16,245 tỉ (huyện Đông Anh 11,291 tỉ, quận Long Biên 4,954 tỉ). Các khoản này đã chi trả cho các hộ dân do vậy không có khả năng thu hồi.
Thanh tra Chính phủ kết luật trách nhiệm thuộc về Sở Tài chính, UBND huyện Đông Anh, UBND quận Long Biên và thường trực UBND TPHN. Trong văn bản kết luận. Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý lên tới hơn 657,9 tỉ đồng, trong đó số tiền 273,667 tỉ đồng đã phát hiện; số còn lại 384,274 tỉ đồng yêu cầu chủ đầu tư xác định số tiền sai phạm cụ thể để xử lý… Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP. Hà Nội nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, chỉ đạo kiểm điểm các tập thể, cá nhân các thời kỳ có liên quan và có hình thức xử lý theo quy định, nhất là trách nhiệm trong chỉ đạo quản lý theo phân công, phân cấp trong cả quá trình triển khai dự án.