Nhiều sai phạm về kinh tế tại Tổng Công ty Sông Đà và các đơn vị thành viên. |
Lỗ lớn, nợ cao
Theo Kết luận, đến hết năm 2014, kết quả sản xuất, kinh doanh của toàn TCT Sông Đà lỗ lũy kế hơn 413 tỷ đồng; riêng Công ty CP Xi măng Hạ Long lỗ lũy kế trên 2.637 tỷ đồng. Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu TCT Sông Đà phải thu hồi số tiền đã đầu tư vào Quỹ đầu tư Việt Nam còn lại về tài khoản của công ty mẹ trên 63 tỷ đồng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác chuyển giao Công ty CP Xi măng Hạ Long sang TCT Xi măng Việt Nam theo Văn bản số 64/TTg, ngày 17/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, công ty mẹ TCT Sông Đà nợ quá hạn Ngân hàng Đầu tư Bắc Âu và Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài với tổng số tiền trên 569 tỷ đồng; mục đích cho Công ty CP Xi măng Hạ Long vay lại gần 466,8 tỷ đồng và góp vào Công ty CP Xi măng Hạ Long 103 tỷ đồng. “Để có nguồn thu trả các khoản nợ quá hạn ngân hàng, yêu cầu TCT Sông Đà đẩy nhanh công tác chuyển giao Công ty CP Xi măng Hạ Long; đồng thời thu hồi các khoản công nợ khác, tránh nợ xấu” - Kết luận nêu rõ.
Yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm
Tại Công ty Thủy điện Nậm Chiến, Thanh tra Bộ Xây dựng xác định nợ quá hạn khoản vốn vay ODA hơn 179,4 tỷ đồng để nhập máy móc thiết bị. Tổng mức đầu tư điều chỉnh áp sai đơn giá dẫn đến tăng tổng mức đầu tư lên hơn 144,5 tỷ đồng. Công ty cũng bị phát hiện không thực hiện một số văn bản chỉ đạo của Thủ tướng dẫn đến chi phí đầu tư sai tăng số tiền hơn 47 tỷ đồng.
Đối với Công ty CP Đầu tư Phát triển Sông Đà (IDC), năm 2014 đầu tư vào Công ty CP Sông Đà Ban Mê số tiền hơn 4,3 tỷ đồng nhưng đến nay, Công ty này đang làm thủ tục phá sản, Thanh tra yêu cầu phải thu hồi được khoản vốn Nhà nước đã đầu từ vào. Bên cạnh đó, IDC phải quyết toán dứt điểm tổng số tiền hơn 5,6 tỷ đồng của các cá nhân tạm ứng đã tồn tại nhiều năm. Đối với Công ty TNHH MTV Hạ tầng Sông Đà, để đảm bảo vốn Nhà nước, Thanh tra yêu cầu Công ty cơ cấu lại vốn đầu tư không đạt hiệu quả tại 4 đơn vị với tổng số tiền đã đầu tư trên 18 tỷ đồng.
Đối với Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển Sông Đà (SDU), Thanh tra yêu cầu ông Hoàng Văn Anh - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty rút kinh nghiệm do năm 2014 đã ký ban hành 38/40 nghị quyết nhưng không có sự tán thành của đa số thành viên HĐQT Công ty. Đồng thời, yêu cầu Công ty quyết toán dứt điểm khoản tạm ứng của 29 cá nhân tính đến ngày 28/8/2015 gần 13 tỷ đồng.
Tại dự án nhà ở xã hội 143 Trần Phú (quận Hà Đông, Hà Nội), cơ quan thanh tra phát hiện sai phạm như dự toán tính thêm chi phí vận chuyển lên cao, dẫn đến sai tăng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng. Đến tháng 11/2015, dự án đã hoàn thành nhưng Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đô thị Sông Đà (SDU) chưa quyết toán các hạng mục dẫn đến việc thanh toán với các nhà thầu phải tạm tính theo đơn giá do Viện Kinh tế, Bộ Xây dựng thẩm tra.
Đối với Công ty Thủy điện Nậm He thực hiện dự án Thủy điện Nậm He đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng từ tháng 6/2014, tuy nhiên sau 12 tháng, dự án vẫn chưa quyết toán. Thanh tra yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với Công ty CP Sông Đà 7 xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân, bồi thường vật chất do thi công công trình dẫn tới lỗ gần 2,8 tỷ đồng...
Thanh tra Bộ Xây dựng cũng yêu cầu TCT Sông Đà và các đơn vị thành viên kiểm điểm trách nhiệm, nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh và khắc phục những thiếu sót trong công tác quản lý, sử dụng vốn và tài sản, quản lý đầu tư xây dựng công trình đã nêu trong báo cáo thanh tra. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị liên quan nộp về ngân sách Nhà nước số tiền nợ thuế kéo dài trong thời gian qua, thu hồi các khoản nợ tạm ứng không sử dụng hết, thu hồi tiền lương vượt chi để không thất thoát nguồn vốn của Nhà nước.