Hàng ngàn tỷ đồng bay hơi vì sai phạm trong đấu thầu tại TISCO

(BĐT) - Phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển nhà thầu thực hiện Gói thầu EPC không đúng quy định; tổng thầu EPC không thực hiện cam kết trong hợp đồng; nội dung hợp đồng EPC không chặt chẽ… 
Dự án Mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên đã tạm dừng thi công từ năm 2013 đến nay. Ảnh: Như Chính
Dự án Mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên đã tạm dừng thi công từ năm 2013 đến nay. Ảnh: Như Chính

Đó là những sai phạm trong quá trình lựa chọn nhà thầu thực hiện Dự án Mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên được công bố tại kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ (TTCP).

Dự án Mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư từ năm 2005 với tổng mức đầu tư 3.843 tỷ đồng. Thế nhưng, Dự án đã tạm dừng thi công từ năm 2013 đến nay và điều đáng nói là “đống sắt gỉ” ấy vẫn ngốn một khoản lãi vay lên tới 40 tỷ đồng/tháng.

Dự án có 2 gói thầu chính, đó là Gói thầu Mỏ sắt Tiến Bộ tổng giá trị 442 tỷ đồng và Gói thầu EPC số 01 Dây chuyền công nghệ luyện kim khu vực Lưu Xá có tổng giá trị 143 triệu USD (tương đương gần 2.300 tỷ đồng). Ngoài ra, Dự án còn phải thực hiện 22 gói thầu khác.

Theo kết luận của TTCP, trong quá trình triển khai Dự án, các bên liên quan đã mắc một số sai phạm.

Đối với TISCO, đó là những vi phạm có dấu hiệu làm trái quy định của pháp luật, buông lỏng quản lý, gây thất thoát vốn đầu tư. Cụ thể, TISCO lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chưa đủ cơ sở trình VNS, Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ. Việc lập, trình xin phê duyệt kế hoạch đầu tư Dự án không đúng quy định; việc xác định một số khoản chi phí và giá một số gói thầu không phù hợp với nội dung báo cáo khả thi được duyệt theo quy định.

Ngoài ra, tại Gói thầu EPC số 01, TISCO phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển không đúng quy định; hồ sơ mời sơ tuyển không yêu cầu nhà thầu nộp bảo lãnh dự thầu theo quy định tại Khoản a Điều 24 Nghị định 16/2005/NĐ-CP.

Về giải ngân giá trị thiết bị, TISCO tiếp nhận nhiều loại máy móc nhập về phục vụ Dự án có sai khác về quy cách, chủng loại, tiêu chuẩn kỹ thuật, CO, CQ… Tuy nhiên, TISCO lại thanh toán cho nhà thầu là Công ty Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) vượt giá trị hợp đồng, với giá trị bước đầu xác định là 38,8 triệu USD.

Với MCC, sau 18 tháng kể từ khi ký hợp đồng, nhà thầu này vẫn không thực hiện các điều khoản đã cam kết; chậm bàn giao thiết kế cơ sở cả 7 hạng mục thuộc Phần E từ 1 tháng đến 4 tháng; chậm bàn giao thiết bị cả 7 hạng mục thuộc Phần P từ 25 tháng đến 45 tháng; chuyển đổi một số nội dung công việc của Phần P sang Phần C (theo báo cáo ban đầu của TISCO, giá trị trên 50 tỷ đồng), hưởng phí quản lý Phần C không đúng. Mặt khác, việc MCC cùng TISCO ký hợp đồng với các nhà thầu phụ Việt Nam thực hiện Phần C là vi phạm Điều 22 Nghị định số 209/2004/NĐ-CP; việc cung cấp máy móc, thiết bị sai khác về quy cách, chủng loại so với hợp đồng.

Là đại diện chủ sở hữu vốn tại TISCO, VNS cũng đã có những vi phạm trong công tác đấu thầu. Đó là, tại thời điểm thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án, VNS không thẩm định năng lực nhà thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi; thẩm định, phê duyệt dự án khi chưa có thiết kế cơ sở… VNS phê duyệt điều chỉnh Gói thầu EPC số 01 không đúng quy định của pháp luật về đấu thầu.

Về phía Bộ Công Thương, kết luận của TTCP nêu rõ, Bộ Công Thương có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận ý kiến của VNS chọn Vinaincon làm nhà thầu phụ thực hiện Phần C theo đơn giá điều chỉnh không đúng quy định, không đúng thẩm quyền. Đặc biệt, Bộ ký văn bản đề xuất việc điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 8.104 tỷ đồng trong khi trước đó các bộ, ngành khác đều cho rằng không có cơ sở để điều chỉnh…

Kết luận cũng chỉ ra một loạt sai phạm của các đơn vị liên quan, trong đó có: Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC); Viện Kinh tế xây dựng…

Trước những sai phạm nêu trên, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý trách nhiệm của các bộ, ngành cũng như cá nhân để xảy ra sai phạm. Đồng thời, chuyển Kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, điều tra, xử lý theo thẩm quyền. Mặt khác, TTCP cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an khẩn trương điều tra những vi phạm có dấu hiệu hình sự.

Tin cùng chuyên mục